- Hành vi gian lận trong đấu thầu là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt , gian là tính từ chỉ sự dối trá, lừa lọc để thực hiện hoặc che giấu việc làm bất lương. Theo đó “gian lận được định nghĩa là hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc”. Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản: Hành vi gian lận trong đấu thầu là hành vi không trung thực, lừa dối, có chủ đích, được thực hiện với lỗi cố ý, mục đích nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
- Những hành vi được coi là gian lận trong Luật Đấu thầu năm 2023
Khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định:
“4. Gian lận bao gồm các hành vi sau đây:
- a) Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu;
- b) Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.”.
Đây là hành vi của những người tham gia dự thầu, những người có trách nhiệm trong thẩm định hồ sơ, nhà thầu, nhà đầu tư nhằm mục đích để đạt được lợi ích cho bản thân hoặc trốn tránh các nghĩa vụ phải thực hiện. Một số biểu hiện của hành vi gian lận trong đấu thầu phải kể đến như:
(1) Mượn bằng cấp; sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả
Hành vi trên khá phổ biến trong hoạt động đấu thầu bởi đối với các dự án đấu thầu thì chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thi công xây dựng là điều kiện bắt buộc của chỉ huy trưởng công trường. Pháp luật quy định rất chặt chẽ về việc cấp chứng chỉ trên, do đó không phải ai cũng được cấp nếu không đủ điều kiện. Vì vậy mới nảy sinh việc mượn bằng, sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả đưa vào hồ sơ nhân sự với mục đích gian dối hòng hợp thức hóa cũng như làm đẹp hồ sơ dự thầu. Do đó, nhiều trường hợp khi được bên mời thầu yêu cầu chứng thực nhân sự thông qua chữ ký thực hoặc mời tới thương thảo hợp đồng đã không thể thực hiện.
(2) Mượn nhân sự
Nguyên nhân là do thiếu hoặc không có nhân sự, nhiều nhà thầu đã kê khai nhân sự chủ chốt “đi mượn” từ các nhà thầu khác, sau đó đưa vào hồ sơ năng lực để tham gia đấu thầu và trúng thầu ở nhiều gói thầu khác nhau. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, kiểm tra đối chiếu, các nhân sự được kê khai trong danh sách không thuộc nhà thầu, không có hợp đồng lao động của nhân sự.
(3) Giả mạo hồ sơ năng lực
Đây là những sai phạm phổ biến, có tính hệ thống trong hoạt động đấu thầu dưới nhiều hình thức như:
– Nâng khống doanh thu thông qua làm giả báo cáo tài chính đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn các gói thầu đều kèm theo điều kiện về khả năng tài chính. Vì vậy, các nhà thầu phải đính kèm báo cáo tài chính trong hồ sơ dự thầu để chứng minh năng lực tài chính. Nếu nhà thầu cung cấp báo cáo tài chính khác với báo cáo tài chính đã nộp cho cơ quan thuế thì bên mời thầu, đơn vị chấm thầu phải xem xét tới tính chất của hai báo cáo tài chính này (kỳ báo cáo, báo cáo hợp nhất hay báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ…). Trường hợp hai báo cáo tài chính này cùng loại và cùng kỳ báo cáo nhưng khác nhau về các số liệu thì đây được coi là hành vi gian lận trong đấu thầu.
– Cung cấp giấy tờ (hợp đồng tương tự, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, giấy xác nhận của chủ đầu tư,…);… nhằm hợp thức những điều kiện để đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Ví dụ, theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhà thầu phải đảm bảo về tiêu chuẩn điều kiện đã có kinh nghiệm thi công gói thầu tương đương, muốn thế trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu phải xuất trình được các hợp đồng cũng như biên bản nghiệm thu về những công trình tương tự đã thi công và thực hiện trước đó. Tuy nhiên với mục đích trúng thầu, bằng một cách nào đó, một số nhà thầu đã giả mạo giấy tờ nhằm hợp thức hóa, qua mặt chủ đầu tư, đơn vị mời thầu và chấm thầu.
- Quy định của pháp luật hiện hành về xử lý hành vi gian lận trong đấu thầu
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 17, điểm b khoản 9 Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2023, trường hợp nhà thầu trúng thầu do thực hiện hành vi gian lận sẽ bị hủy thầu và không được hoàn trả bảo đảm dự thầu. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Căn cứ khoản 3 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các điều cấm trong đấu thầu: “Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự: … 3. Gian lận trong đấu thầu…”. Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động đấu thầu đối với tổ chức là 300.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) đối với tổ chức.
Trường hợp hành vi gian lận trong đấu thầu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng với mức phạt tù cao nhất đến 20 năm, đồng thời người phạm tội có thể chịu hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ quyền hạn hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật Đấu thầu năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định chặt chẽ về hành vi gian lận trong đấu thầu và các hình thức xử lý nghiêm khắc nhằm đảm bảo những nhân sự của nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện gói thầu, đồng thời bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách, tránh thất thoát, lãng phí tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch giữa các nhà thầu.
Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, theo Hotline: 090.606.0784 – Hotline: 091.542.4860, Email: vplstinhhoaviet@gmail.com hoặc truy cập website: https://lstinhhoaviet.vn/ để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.