Luật dân sự

Hợp đồng theo mẫu và những lưu ý khi giao kết Hợp đồng theo mẫu

Giao kết hợp đồng là một quá trình phức tạp, đòi hỏi các bên phải dành nhiều thời gian cũng như chi phí để đạt được sự thống nhất về ý chí. Thực tiễn ấy đòi hỏi một phương thức giao kết hợp đồng giúp các bên tối ưu hóa thời gian, chi phí cũng như bảo đảm sự phù hợp về mặt pháp lý. Từ đó, hợp đồng theo mẫu được các cơ quan lập pháp quan tâm và đưa vào những quy định pháp lý mang tính chất nền tảng, trong đó Hợp đồng theo mẫu đã trở thành một phương thức giao kết hợp đồng phổ biến. Tuy nhiên, Hợp đồng theo mẫu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro gây bất lợi cho các chủ thể giao kết hợp đồng.

Tại sao hiện nay Hợp đồng theo mẫu lại vô cùng phổ biến? Có thể thấy rằng Hợp đồng theo mẫu mang những ưu điểm nổi trội như tiết kiệm thời gian và chi phí; các điều khoản trong hợp đồng được chuẩn bị, nghiên cứu, soạn thảo cụ thể, kỹ càng, thích hợp với nhu cầu của từng chủ thể; hạn chế trường hợp can thiệp để đưa ra các điều khoản riêng gây bất lợi, bảo đảm lợi ích cho khách hàng hoặc người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hợp đồng theo mẫu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giao kết. Khách hàng hoặc người tiêu dùng thường hiếm khi đọc hết các điều khoản hợp đồng; dù có đọc hết nhưng đối với một số quy định mang tính chuyên ngành thì bản thân họ cũng không thể hiểu và nhận thức được sự thiếu công bằng tồn tại trong những điều khoản, từ đó xảy ra tranh chấp giữa các bên. 

Để làm rõ vấn đề này, Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt sẽ phân tích một vụ việc liên quan đến tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn hộ chung cư dự án T.A.K.H (một dạng của Hợp đồng theo mẫu).

1. Tình huống pháp lý: Ngày 06/03/2020 bà Nguyễn T.Q và Công ty Cổ phần T.T.C.R (Công ty T.T.C.R) đã ký Hợp đồng Mua bán căn hộ chung cư số Se.B07-05/HĐMB/THE ARENA. Theo nội dung thoả thuận, thời gian dự kiến bàn giao căn hộ chung cư là tháng 06/2020. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, hai bên đã xảy ra tranh chấp. 

Bà Q cho rằng Công ty T.T.C.R đã có dấu hiệu lừa dối khi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin dự án, không cho kiểm tra quá trình thi công và mục đích sử dụng tiền ứng trước; tự ý thay đổi thiết kế nội thất và chất lượng vật tư căn hộ chung cư mà không thông báo đến bà Q; bàn giao căn hộ không đúng dự kiến. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà Q đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa bà và Công ty T.T.C.R vô hiệu do lừa dối, buộc Công ty T.T.C.R phải trả lại số tiền mà bà Q đã thanh toán. 

Trước yêu cầu khởi kiện của bà Q, Công ty T.T.C.R đưa ra căn cứ cho rằng yêu cầu của bà Q là không có cơ sở. Hợp đồng giữa hai bên ký kết trên tinh thần tự do, tự nguyện và bình đẳng theo các Nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự. Tại thời điểm ký kết, bà Q đã tự do tìm hiểu thông tin về dự án, đồng thời, Công ty T.T.C.R cũng cung cấp cho bà Q hồ sơ pháp lý về dự án để bà Q có thể tiếp cận thông tin đầy đủ trước khi ký kết Hợp đồng. 

Ngoài ra, Công ty T.T.C.R cho rằng trong quá trình thực hiện Hợp đồng gặp nhiều khó khăn khách quan (sự kiện Thanh tra Chính phủ, dịch bệnh Covid-19) nhưng Công ty vẫn nỗ lực để bàn giao căn hộ chung cư theo đúng thoả thuận cho bà Q. Công ty T.T.C.R cũng đã có nhiều thông báo gửi tới khách hàng, trong đó có bà Q về ảnh hưởng của dịch bệnh đến thời gian hoàn thành dự án cũng như thời gian bàn giao căn hộ chung cư. Do đó, không có căn cứ để bà Q chấm dứt hợp đồng hoặc huỷ hợp đồng mua bán này. 

Về vấn đề trên, Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt có ý kiến như sau:

Căn cứ Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng theo mẫu là Hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một khoảng thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.”

Căn cứ Quyết định 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, tại Mục 9: “Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp”. Vì vậy, đối tượng của Hợp đồng ký kết giữa bà Q và Công ty T.T.C.R là căn hộ chung cư và thuộc đối tượng phải đăng ký Hợp đồng theo mẫu. 

Ngoài ra, theo Điều 17.2 Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, hai bên đã thoả thuận rằng:

“17.2.1 Bên Mua đã tìm hiểu, xem xét kỹ thông tin về căn hộ mua bán

17.2.2 Bên Mua đã được bên bán cung cấp bản sao các giấy tờ, tài liệu và thông tin cần thiết liên quan đến Căn hộ, Bên Mua đã đọc cẩn thận và hiểu các quy định của Hợp đồng này cũng như các phụ lục đính kèm. Bên Mua đã tìm hiểu mọi vấn đề mà Bên Mua cho là cần thiết để kiểm tra mức độ chính xác của các giấy tờ, tài liệu về thông tin đó.”

Theo đó, Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư là Hợp đồng theo mẫu do Công ty T.T.C.R đưa ra nên việc dành thời gian hợp lý để nghiên cứu kỹ nội dung của Hợp đồng trước khi ký kết là quyền và trách nhiệm của khách hàng. Việc bà Q không nghiên cứu kỹ nội dung Hợp đồng không phải do lỗi của Công ty. Do vậy, khi bà Q ký Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tức là bà Q đã đọc, hiểu kỹ và đồng ý toàn bộ nội dung Hợp đồng. Do vậy, bà Q không có căn cứ để tuyên Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư vô hiệu do Công ty T.T.C.R lừa dối khách hàng.

2. Các lưu ý khi giao kết hợp đồng theo mẫu: 

Để tránh rủi ro và bảo vệ quyền lợi của mình, người tham gia ký kết hợp đồng theo mẫu cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:

– Đọc kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng: Khi ký kết hợp đồng theo mẫu, nhiều người có thói quen bỏ qua các điều khoản chi tiết và chỉ quan tâm đến giá cả hoặc điều khoản chính. Tuy nhiên, hợp đồng theo mẫu có thể chứa các điều khoản bất lợi cho khách hàng. Việc đọc kỹ hợp đồng giúp bạn nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tránh các điều khoản gây bất lợi.

– Chú ý đến các điều khoản về phí, phạt và điều kiện chấm dứt hợp đồng: Nhiều hợp đồng theo mẫu có các điều khoản về phí phạt nếu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc nếu vi phạm một số điều kiện nhất định. Các điều khoản này có thể gây thiệt hại lớn nếu không nắm rõ trước khi ký kết.

– Kiểm tra các điều khoản miễn trách nhiệm của bên cung cấp: Các hợp đồng theo mẫu thường có điều khoản miễn hoặc giảm trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ. Người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ các điều khoản này để đánh giá mức độ rủi ro có thể gặp phải trong trường hợp bên cung cấp không hoàn thành nghĩa vụ.

– Cảnh giác với các điều khoản không rõ ràng: Nhiều hợp đồng theo mẫu sử dụng ngôn ngữ pháp lý phức tạp hoặc thuật ngữ chuyên ngành, khiến khách hàng khó hiểu. Nếu gặp điều khoản không rõ ràng, người tiêu dùng nên yêu cầu bên cung cấp giải thích rõ ràng trước khi ký kết.

– Lưu ý quyền từ chối hoặc đề nghị sửa đổi: Dù hợp đồng theo mẫu thường có tính đồng loạt và ít có khả năng chỉnh sửa, khách hàng vẫn có quyền đề nghị sửa đổi hoặc từ chối nếu thấy điều khoản không phù hợp. Một số trường hợp, bên cung cấp dịch vụ sẵn sàng thay đổi các điều khoản nhỏ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Hợp đồng theo mẫu mang lại nhiều tiện ích trong giao dịch nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng. Tuy nhiên để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng cần phải cẩn trọng và kỹ lưỡng trong việc đọc và hiểu rõ các điều khoản trước khi ký kết. Việc trang bị kiến thức pháp lý cơ bản sẽ giúp khách hàng tránh được những thiệt hại không đáng có khi tham gia ký kết các hợp đồng theo mẫu.

Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, theo Hotline: 08.7939.7939 và Email: vplstinhhoaviet@gmail.com hoặc truy cập website: https://lstinhhoaviet.vn/ để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất. 

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784