1- Đấu thầu lại là gì?
Đấu thầu lại là gì? Theo khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 thì đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu không đưa ra khái niệm thế nào là đấu thầu lại. Tuy nhiên, từ khái niệm đấu thầu chúng ta có thể hiểu rằng: Đấu thầu lại là việc thực hiện lại các hoạt động đấu thầu khi thuộc vào các trường hợp phải đấu thầu lại theo quy định.
2- Khi nào kết quả lựa chọn nhà thầu bị huỷ?
Theo khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 thì các trường hợp huỷ kết quả nhà thầu, bao gồm:
- Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu;
- Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định như: Gian lận trong đấu thầu, chuyển nhượng thầu trái phép…;
- Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
3- Khi kết quả lựa chọn nhà thầu bị huỷ thì có đấu thầu lại hay không?
Khi rơi vào các trường hợp hủy thầu nêu trên thì bên mời thầu/chủ đầu tư sẽ tiến hành thông báo mời thầu lại và phát hành hồ sơ mời thầu lại. Hồ sơ mời thầu có thể vẫn là hồ sơ mời thầu đã phát hành trước đó hoặc điều chỉnh lại một số nội dung cho phù hợp. Trường hợp này chúng ta hay gọi là đấu thầu lại.
Như vậy, khi kết quả lựa chọn nhà thầu bị huỷ thì có thể tiến hành đấu thầu lại như bình thường. Để từ đó lựa chọn được nhà thầu đúng quy định thực hiện gói thầu.
4- Quy trình đấu thầu lại sau khi huỷ thầu lựa chọn nhà thầu
Quy trình đấu thầu lại sau khi huỷ thầu lựa chọn nhà thầu được thực hiện tương tự như quy trình đấu thầu ban đầu. Theo Điều 43 Luật Đấu thầu 2023 có thể rút ra các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, lập hồ sơ yêu cầu
Ở bước này cần chuẩn bị các nội dung của hồ sơ yêu cầu, bao gồm các mục sau đây:
- Tổng quan về dự án và gói thầu;
- Hướng dẫn về việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất;
- Tiêu chuẩn liên quan đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu;
- Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật và xác định giá thấp nhất.
- Đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, cũng như đánh giá về khía cạnh kỹ thuật, hệ thống tiêu chí “đạt” và “không đạt” sẽ được áp dụng.
Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu và đánh giá hồ sơ
Bên tổ chức đấu thầu thực hiện việc công bố phát hành hồ sơ yêu cầu cho các nhà thầu trong khoảng thời gian tối thiểu 03 ngày làm việc, bắt đầu từ ngày đầu tiên thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Ngay sau khi kỳ đấu thầu kết thúc, bên tổ chức mở hồ sơ đề xuất và lập biên bản mở thầu, bao gồm các thông tin như tên của nhà thầu, giá chào hàng, thời hạn hiệu lực của hồ sơ đề xuất/bảo đảm dự thầu, cũng như thời gian thực hiện hợp đồng.
Bên mời thầu đánh giá các hồ sơ đề xuất và đánh giá hồ sơ. Hồ sơ được xem là đáp ứng yêu cầu khi hợp lệ; đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm; tiêu chuẩn kỹ thuật đều được đánh giá là “đạt”.
Bước 3: Công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng mới
Theo Điều 190, 20 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT thì Chủ đầu tư đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Nội dung đăng tải ví dụ: Thông tin về nhà thầu, về dự án, về hợp đồng và thông tin có liên quan khác.
Sau khi kết quả được công khai và không có khiếu nại, quá trình chuẩn bị hợp đồng bắt đầu. Sau khi cả hai bên đồng ý với các điều khoản, hợp đồng được ký kết chính thức. Đây là thời điểm ràng buộc pháp lý và đánh dấu sự bắt đầu chính thức của mối quan hệ hợp tác.
5- Làm thế nào để hạn chế đấu thầu lại?
Việc đấu thầu lại gây mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Do đó, chúng ta cần hạn chế những sai sót để tránh phải tổ chức đấu thầu lại, cụ thể:
- Hồ sơ mời thầu cần được soạn thảo một cách kỹ lưỡng và tuân theo các biểu mẫu chính thức hiện hành. Phải bao quát đầy đủ yêu cầu cũng như phạm vi công việc của gói thầu, đảm bảo các thông tin được diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu.
- Quá trình thẩm định hồ sơ phải được thực hiện nghiêm túc và cẩn trọng, tránh các sai sót và đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Không nên thẩm định qua loa hoặc thiếu chi tiết trong giai đoạn này, nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch của hồ sơ.
- Việc phát hành hồ sơ mời thầu cần được thực hiện rộng rãi và ưu tiên kéo dài thời gian phát hành hơn quy định, nhằm giúp các nhà thầu có đủ thời gian chuẩn bị. Ngoài việc bắt buộc đăng tải trên Hệ thống đấu thầu quốc gia (đối với các gói thầu có nguồn vốn từ nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước), hồ sơ cũng nên được công bố trên các phương tiện truyền thông khác.
- Các nhà thầu cần đọc kỹ các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu. Nếu có bất kỳ điểm nào chưa rõ ràng hoặc có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, nên liên hệ trực tiếp với bên mời thầu hoặc chủ đầu tư để làm rõ. Việc này sẽ giúp tránh được các xung đột và mâu thuẫn có thể dẫn đến việc phải hủy thầu.
6- Kết luận
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về thắc mắc khi kết quả lựa chọn nhà thầu bị huỷ thì có đấu thầu lại hay không? để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, theo Hotline: 090.606.0784 – Hotline: 091.542.4860, Email: vplstinhhoaviet@gmail.com hoặc truy cập website: https://lstinhhoaviet.vn/ để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.