Hotline: 0879 397 939

Không nhất quán về chính sách thu hồi đất – Hàng trăm hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng

Việc không nhất quán trong chính sách thu hồi đất và xác định quyền sử dụng đất là nguyên nhân chính khiến người dân không chịu bàn giao mặt bằng

12/03/2024

Sự thiếu nhất quán trong việc xác định hành lang bảo vệ kênh và chỉ giới hành lang bảo vệ kênh

Theo Quyết định số 225-QĐ/UB  ngày 10/5/1995 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây về hành lang bảo vệ bờ sông Nhuệ và bờ kênh La Khê thuộc thị xã Hà Đông thì:

– Những đoạn không hình thành bờ (kênh), hành lang tính từ mép đỉnh bờ kênh thiết kế trở về phía dân cư hoặc phía đồng là 10m (mười mét)

– Những đoạn có hình thành bờ (kênh), hành lang tính từ chân mái kênh ra phía dân cư hoặc phía đồng là 5m (năm mét)

Thực hiện quyết định trên, Xí nghiệp thủy nông sông Nhuệ đã cắm các mốc chỉ giới hành lang bảo vệ bờ sông Nhuệ đoạn qua thị xã Hà Đông và có sơ hoạ từng cột mốc, trong đó có đoạn khu tập thể Công ty máy kéo và máy nông nghiệp cũ thuộc phường Yết Kiêu (kênh La Khê) ngày 6/10/1995. Theo biên bản này, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ kênh La Khê chỉ là 5m.

Tuy nhiên đến năm 2014, chỉ giới hành lang bảo vệ kênh La Khê lại thay đổi, nhưng chỉ 5m đến 10m tùy đoạn và dự kiến thu hồi một phần đất của hộ dân từ 1/3 đến 1/2 diện tích đất.

Đến năm 2017, chỉ giới thu hồi lại được điều chỉnh, theo đó các hộ dân bị thu hồi toàn bộ đất.

Có thể thấy, việc thay đổi chỉ giới hành lang bảo vệ kênh đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc thu hồi đất của người dân, khiến người dân từ việc có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích không nằm trên “hành lang bảo vệ kênh La Khê” đến việc không nhận được bất cứ khoản bồi thường nào về đất vì “nằm trong chỉ giới hành lang bảo vệ kênh La Khê”.

Vòng tròn khó khăn – Đâu là nút thắt?

Những hộ dân sống dọc kênh La Khê thuộc phường Yết Kiêu, Quang Trung, La Khê được một số cơ quan, đơn vị giao đất làm nhà sinh sống từ lâu trên đất hành lang kênh La Khê nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, các trường hợp này không được bồi thường về đất, không được tái định cư bằng đất.

Lật ngược lại vấn đề trên, cần phải làm rõ lý do tại sao các hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Các lý do được chính quyền đưa ra là đất được giao trái thẩm quyền và các hộ nằm trên hành lang bảo vệ kênh La Khê.

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất giao không đúng thẩm quyền khá phổ biến, nhất là trong giai đoạn những năm 90 như đất do xã, thôn giao hoặc do công ty, xí nghiệp, đơn vị phân cho cán bộ, công nhân viên. Lấy ví dụ trường hợp của khu tập thể Nhà máy cơ khí nông nghiệp thì  thì việc giao đất cho nhà máy và nhà máy giao cho các hộ đều thông qua các quyết định hành chính thể hiện như sau:

– Ngày 30/08/1963, Uỷ ban Hành chính tỉnh Hà Đông đồng ý để nhà máy Cơ khí nông cụ tạm thời sử dụng 16000 m2 đất để xây dựng khu nhà ở cho CBCNV nhà máy. Khu đất này thuộc một phần thửa số 1 tờ bản đồ 11 thị xã Hà Đông (năm 1963).

– Ngày 23/02/1970, Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Tây cho nhà máy CKNN được sử dụng thêm 7200m2 đất thuộc thị xã Hà Đông để xây dựng nhà ở cho CBCNV

– 16/05/1992, Phòng nhà đất thị xã Hà Đông có Công văn 29/CV-XDND gửi Uỷ ban nhân dân thị xã Hà Đông đề nghị Uỷ ban nhân dân thị xã, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban quản lý ruộng đất xét duyệt cho hợp pháp hoá quyền sử dụng của 41022 m2 đất cho nhà máy CKNN.

– 19/05/1992, Uỷ ban nhân dân thị xã Hà Đông có công văn gửi UBND tỉnh Hà Tây, Ban quản lý ruộng đất tỉnh đề nghị xét duyệt cho hợp pháp số diện tích là 41075 m2 đất cho nhà máy cơ khí nông nghiệp đã sử dụng từ năm 1960 đến nay.

– 28/05/1992, Ban quản lý ruộng đất tỉnh Hà Tây có công văn gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây đề nghị hợp pháp hoá 41075 m2 đất chuyên dùng tại khu A cho nhà máy cơ khí nông nghiệp, trong đó có nội dung: “Khu A 64275m2 trong đó đã hợp pháp 23200 m2… Đất hợp pháp có các quyết định của UBND tỉnh kèm theo”.

-24/11/1997, Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp ra Biên bản số 387 MK-NN/HCQT Hội đồng đã xem xét đơn xin mua nhà của các hộ và nhất trí đề nghị Hội đồng nhà ở, đất ở tỉnh Hà Tây xét duyệt đợt 1, trong đó: Nhà cấp 4 là 251 hộ – Diện tích đất là 8.432 m2; Nhà cấp 3 là 144 hộ – Diện tích 4.476m2.

– Năm 2002, công ty đã làm các thủ tục thanh lý và đề nghị địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong khu tập thể của công ty.

Tuy nhiên, dù được giao trái thẩm quyền thì theo khoản 1 Điều 140 Luật Đất đai 2024 quy định:

Điều 140. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền

Đất được giao không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm được giao hoặc sử dụng đất do mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất không đúng quy định của pháp luật thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện như sau:

1. Trường hợp đất đã được sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 138 của Luật này;

Điều này được thể hiện rõ ràng thông qua việc 514 hộ dân trong khu tập thể của Nhà máy cơ khí nông nghiệp đã được địa phương Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ có 23 trường hợp nằm dọc bờ kênh La Khê là chưa được quyền lợi trên.

Đối với việc 23 hộ nằm trên hành lang bảo vệ kênh La Khê thì như phân tích ở phần trên, phạm vi hành lang bảo vệ kênh La Khê chỉ là 5m và phần diện tích còn lại của các hộ nằm ngoài hành lang bảo vệ kênh La Khê có đủ điểu kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như 514 hộ nói trên. Mặt khác, chỉ giới hành lang bảo vệ kênh La Khê có sự thay đổi từ thời điểm 1995, 2014 đến 2017 nhưng rõ ràng thời điểm năm 1995 khi Nhà máy cơ khí nông nghiệp có chủ trương hợp thức hóa và xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thì chỉ giới hành lang bảo vệ kênh La Khê cũng chỉ tương đương phạm vi hành lang bảo vệ kênh La Khê. Việc địa phương gán ghép chỉ giới hành lang bảo vệ kênh La Khê để từ chối cấp quyền sử dụng đất trong khi chỉ giới thay đổi theo từng thời kỳ là không hợp lý vì tất cả các hộ trên đều đã được cấp đất và sử dụng ổn định trước khi có chỉ giới hành lang bảo vệ kênh La Khê được tính theo Quyết định 225 ngày 6/10/1995.

Như vậy, theo ý kiến của chúng tôi, các hộ dân trên hoàn toàn có quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích nằm ngoài chỉ giới bảo vệ hành lang kênh La Khê năm 1995 và phải được bồi thường về đất cũng như tái định cư bằng đất.