Hotline: 08 7939 7939

Những điều kiện để tổ chức mở lớp dạy học thêm quy mô nhỏ ngoài nhà trường theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT?

02/26/2025

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về việc dạy thêm học thêm đã chính thức có hiệu lực từ 14/02/2025 dẫn đến những thay đổi quan trọng trong việc dạy và học thêm của giáo viên và học sinh. Thông tư này đã đề ra các nguyên tắc, trường hợp được và không được dạy thêm, tổ chức dạy, học thêm, cũng như những quy định về việc tổ chức mở lớp dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.



Tình huống pháp lý: 

Văn phòng Luật sư có nhận được câu hỏi của một khách hàng là giáo viên của Trường THCS Y và có nhu cầu tổ chức mở lớp dạy thêm ở ngoài với quy mô nhỏ. Vậy việc thành lập cần những thủ tục gì và khách hàng đó có thể nhờ người thân của mình đứng tên đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm được không?

Ý kiến pháp lý: 

Đối với trường hợp của khách hàng trên, tại Điều 6 của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, cùng các điều kiện khác.

Như vậy theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, việc dạy thêm học thêm hiện nay cần phải đảm bảo đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Quy định này không phụ thuộc vào mức thu nhập hay lợi nhuận từ hoạt động dạy thêm, mà dựa trên nguyên tắc quản lý hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. 

Ngoài ra, hiện nay pháp luật cũng không có quy định nào về việc ngăn cấm người thân của giáo viên đăng ký hộ kinh doanh các ngành nghề được phép theo quy định, trong đó bao gồm việc kinh doanh để tổ chức dạy thêm. Vì vậy, người thân của giáo viên hoàn toàn có thể được đứng tên chủ hộ kinh doanh để tổ chức dạy thêm, đồng thời phải đảm bảo thực hiện các điều kiện theo Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, bao gồm:

– Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

– Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. 

Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Bên cạnh đó, đối với giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm. 

Hiện nay có hai mô hình có thể lựa chọn để đăng ký kinh doanh để dạy thêm, học thêm theo quy định là theo hộ kinh doanh hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sự khác nhau của hai mô hình trên nằm ở thủ tục, cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động và thuế phải nộp. Tùy vào quy mô hoạt động mà cá nhân có thể lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh hay doanh nghiệp.

Đối với trường hợp khách hàng trên, với quy mô mở lớp dạy thêm học thêm nhỏ và vừa, theo quan điểm của Văn phòng Luật sư, khách hàng nên lựa chọn thành lập mô hình hộ kinh doanh để hoạt động do việc đăng ký kinh doanh có phần đơn giản hơn, phù hợp với các cá nhân, hộ gia đình có quy mô kinh doanh nhỏ, lẻ, cũng như cơ cấu tổ chức đơn giản và chi phí vận hành thấp hơn so với việc thành lập doanh nghiệp. 

Để thành lập Hộ kinh doanh mở lớp dạy thêm học thêm, khách hàng cần phải làm các thủ tục sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ:

Theo khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, những giấy tờ mà khách hàng cần chuẩn bị gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi hoàn tất hồ sơ đăng ký kinh doanh, khách hàng cần nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh (khoản 1 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP). 

Theo khoản 1 Điều 26 của Luật Doanh nghiệp 2020, tổ chức, cá nhân làm thủ tục đăng ký kinh doanh có thể nộp hồ sơ theo một trong các hình thức:

– Nộp trực tiếp;

– Nộp qua đường bưu điện;

– Nộp online qua mạng. Đối với trường hợp nộp qua mạng sẽ không bị mất lệ phí kinh doanh. 

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh.

Trên đây là ý kiến pháp lý của Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt về những điều kiện để tổ chức mở lớp dạy học thêm ngoài nhà trường theo quy định mới nhất. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, theo Hotline: 08.7939.7939 và Email: vplstinhhoaviet@gmail.com hoặc truy cập website: https://lstinhhoaviet.vn/ để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.