Đăng ký doanh nghiệp là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng để chính thức thành lập một tổ chức kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Quá trình này không chỉ giúp doanh nghiệp được pháp luật bảo vệ mà còn tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển. Trong đó, việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là một bước không thể thiếu và đòi hỏi sự chính xác, đầy đủ. Bài viết dưới đây sẽ trình bày những nội dung cần lưu ý khi làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nhằm giúp người chuẩn bị hồ sơ có được sự thuận lợi trong quá trình này.
1.Thành phần và số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp:
– Thành phần hồ sơ:
Tùy thuộc vào loại hình và tính đặc thù của doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sẽ có những thành phần khác nhau được quy định chi tiết từ Điều 21 đến Điều 30 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, bao gồm cho doanh nghiệp tư nhân; công ty hợp danh; công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần; công ty TNHH một thành viên; công ty được thành lập trên cơ sở chia, tách, hợp nhất công ty; các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
– Số lượng hồ sơ:
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 01/2021/NĐ-CP: người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp và chỉ phải nộp các giấy tờ được quy định có trong bộ hồ sơ.
2.Ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ:
Điều 10 Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như sau:
– Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được lập bằng tiếng Việt.
– Trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì hồ sơ phải có bản dịch tiếng Việt công chứng kèm theo tài liệu bằng tiếng nước ngoài.
– Trường hợp giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ được làm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì bản tiếng Việt được sử dụng để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bắt buộc phải có bản bằng tiếng Việt
3.Giấy tờ pháp lý của cá nhân trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp:
Các giấy tờ pháp lý của cá nhân là một phần quan trọng trong hồ sơ, cần lưu ý:
– Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
– Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
Việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không chỉ là bước thủ tục bắt buộc mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp và cẩn trọng của người thành lập doanh nghiệp. Với những nội dung đã được trình bày, hy vọng rằng bạn đọc sẽ nắm rõ những lưu ý quan trọng để quá trình đăng ký doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ. Đảm bảo hồ sơ đầy đủ, đúng quy định sẽ giúp doanh nghiệp sớm được cấp phép và hoạt động hiệu quả.
Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, theo Hotline: 08.7939.7939 và Email: vplstinhhoaviet@gmail.com hoặc truy cập website: https://lstinhhoaviet.vn/ để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.