Những quy định gây hạn chế nhà thầu trong gói thầu MSHH tại huyện Bù Gia Mập
Ngày 24/12/2024, trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã đăng tải HSMT gói thầu mua sắm hàng hóa thuộc Dự án hỗ trợ bồn đựng nước chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2023 trên địa bàn huyện Bù Gia Mập…
Ngày 24/12/2024, trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã đăng tải HSMT gói thầu mua sắm hàng hóa thuộc Dự án hỗ trợ bồn đựng nước chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2023 trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước (Mã TBMT: IB2400607633). Gói thầu trên do Phòng Dân tộc huyện Bù Gia Mập làm chủ đầu tư, hình thức chào hàng cạnh tranh, với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ.
Qua xem xét, Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt nhận trong HSMT, tại Chương V Yêu cầu về kỹ thuật có những quy định gây hạn chế nhà thầu, không bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023.
Thứ nhất, tại tiểu mục d, Mục 1.2.1 quy định về tính hợp lệ của hàng hóa: “– Nhà thầu phải nêu cụ thể nguồn gốc xuất xứ và thông số của hàng hóa đúng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
+ Có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp hoặc thỏa thuận phân phối hoặc đại lý ủy quyền đối với hàng hóa nếu không phải nhà sản xuất.
– Nhà thầu phải cung cấp Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, đại lý phân phối hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương”.
Xét thấy, đối tượng của gói thầu trên là bồn đựng nước (Dung tích 1000 lít; Chất liệu inox; Bồn nằm ngang; Kích thước 1465 x 990 x 1145 mm, độ dày 0,35mm; Xuất xứ Việt Nam hoặc tương đương; Thời hạn bảo hành 16 năm). Sản phẩm này là mặt hàng phổ thông, được bán rộng rãi trên thị trường; không phải hàng hóa đặc thù.
Khi dự thầu, các nhà thầu đều sẽ cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO), giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (CQ) đối với hàng hóa nhập khẩu; giấy chứng nhận xuất xưởng hàng hóa đối với các sản phẩm trong nước, tài liệu kỹ thuật, giấy tờ xác nhận thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, và các giấy tờ khác có giá trị tương đương. Về pháp lý, những giấy tờ, chứng từ trên đều đủ căn cứ chứng minh nguồn gốc, tính hợp lệ của sản phẩm, hàng hóa. Hơn nữa, thực tế các hãng sản xuất đều đã công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách bảo hành. Do đó, việc HSMT quy định các nhà thầu tham dự phải cung cấp các tài liệu (hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp hoặc thỏa thuận phân phối hoặc đại lý ủy quyền, giấy chứng nhận quan hệ đối tác, giấy ủy quyền bán hàng,…) sẽ dẫn đến thu hẹp phạm vi, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, đồng thời có thể gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu năm 2023 và Phụ lục 8 Ban hành kèm theo Thông tư số 06/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “b) Yêu cầu giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với những hàng hóa thông dụng, đơn giản;”.
Thứ hai, tại Mục 1.2.3 HSMT quy định: “1.2.3. Nhà thầu phải có công ty liên danh, liên kết tại tỉnh Bình Phước có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, trong vòng 02 giờ khi nhận được yêu cầu của Chủ đầu tư và cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác theo các yêu cầu như sau:
– Có cam kết về Bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế tại đơn vị trực tiếp sử dụng trong thời gian tối đa 02 giờ làm việc kể từ thời điểm nhận được yêu cầu của chủ đầu tư.”.
Mục đích của hoạt động đấu thầu là tìm ra nhà thầu phù hợp, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Đối với một gói thầu mua sắm, tiêu chí được đề cao phải là chất lượng, tính ưu việt của sản phẩm. Việc bên mời thầu quy định nhà thầu tham dự phải có công ty liên danh, liên kết tại tỉnh Bình Phước ngầm thể hiện tính “độc quyền” trong việc lựa nhà thầu, thuộc các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu theo điểm k khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023: “k) Nêu điều kiện trong HSMT nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 và khoản 2 Điều 48 của Luật này.”.
Ngoài ra, việc quy định nhà thầu phải có cam kết bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế tại đơn vị trực tiếp sử dụng trong thời gian tối đa 02 giờ làm việc kể từ thời điểm nhận được yêu cầu của chủ đầu tư. Điều này thực sự “làm khó” nhà thầu. Bởi lẽ, với địa bàn phần lớn là các buôn, các bản ở cao nguyên, vị trí nằm rải rác; chưa kể việc đi lại khó khăn; nếu không có sự chuẩn bị từ trước, thì không đơn vị nào có thể đáp ứng điều kiện trên. Do đó, Văn phòng Luật sư nhận thấy quy định về thời gian khắc phục sự cố, dịch vụ sau bán hàng đối với gói thầu trên là không đảm bảo thực tiễn và khả năng đáp ứng của số đông nhà thầu.
Về hậu quả pháp lý đối với trường hợp HSMT có nội dung hạn chế sự tham gia của nhà thầu, căn cứ khoản 4 Điều 44 Luật Đấu thầu năm 2023: “4. Trường hợp HSMT có các nội dung vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này thì các nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá HSDT.”. Như vậy, trong trường hợp trên, các nội dung về tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật tại Mục 1.2.1 và 1.2.3 trong HSMT sẽ không có hiệu lực, không phải căn cứ đánh giá hồ sơ dự thầu.
Vì vậy, trên quan điểm pháp lý, Văn phòng Luật sư nhận thấy cần phải sửa đổi những nội dung trên để bảo đảm tính công bằng, tạo môi trường pháp lý minh bạch và hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn; tránh việc kiến nghị, khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng tới tiến độ của gói thầu.
Trên đây là nội dung bài đánh giá HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tại Phòng Dân tộc huyện Bù Gia Mập (Bình Phước).
Nếu Quý Khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý về đấu thầu hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, theo Hotline: 08.7939.7939; Email: vplstinhhoaviet@gmail.com hoặc Truy cập website: http://localhost/luat/ để được chúng tôi hỗ trợ.