Hotline: 08 7939 7939

Phân biệt thủ tục thông báo và đăng ký Website thương mại điện tử

12/10/2024

Sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử đã thúc đẩy hàng loạt website thương mại điện tử ra đời.



Để hoạt động kinh doanh trên các website này một cách hợp pháp, các tổ chức, cá nhân cần hoàn tất thủ tục thông báo/đăng ký website thương mại điện tử (TMĐT) với Bộ Công thương. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chủ thể vẫn còn nhầm lẫn, vướng mắc giữa hai thủ tục đăng ký và thông báo website TMĐT. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số khác biệt cơ bản giữa hai thủ tục này để tháo gỡ vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân còn đang loay hoay với loại thủ tục có thể bảo vệ “thương hiệu” của mình và tránh bị xử phạt.

1.Các đối tượng thực hiện đăng ký và thông báo website TMĐT:

Đối tượng thông báo website TMĐT (Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 47/2014/TT-BCT): Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.

Đối tượng đăng ký website TMĐT (Khoản 2,3 Điều 5 Thông tư số 47/2014/TT-BCT): Các thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký nếu thương nhân, tổ chức đó tiến hành:
+ Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nhằm cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm các loại hình dịch vụ sau: Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; Dịch vụ khuyến mại trực tuyến; Dịch vụ đấu giá trực tuyến.

+ Đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT.

+ Đối với thương nhân, tổ chức sở hữu website thương mại điện tử có cả chức năng bán hàng và cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thì chỉ cần đăng ký website mà không cần thông báo.

2.Loại hình website:

– Website cần thông báo với Bộ Công Thương (khoản 8 Điều 3 Nghị định số: 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử): Là những Website do tổ chức, cá nhân tạo ra để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. Ví dụ: Website của Thế Giới Di Động(Thegioididong.com), Điện Máy Xanh (Dienmayxanh.com),…

– Website cần đăng ký với Bộ Công Thương:

+ Sàn thương mại điện tử (khoản 9 Điều 3 Nghị định số: 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử): cho phép các thương nhân, tổ chức không phải chủ sở hữu có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên website/ứng dụng. Ví dụ: Shopee, Lazada, Sendo,…Sàn giao dịch thương mại điện tử không bao gồm các website/ ứng dụng giao dịch chứng khoán trực tuyến.

+ Website khuyến mãi trực tuyến (khoản 10 Điều 3 Nghị định số: 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử): Là website TMĐT do một thương nhân hoặc tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mãi cho hàng hóa/dịch vụ của các nhà doanh nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại. Ví dụ: www.handheld.com.vn, hotdeal.vn,….

+ Website đấu giá trực tuyến (khoản 11 Điều 3 Nghị định số: 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử): Là website TMĐT cung cấp giải pháp cho phép những thương nhân, tổ chức không phải chủ sở hữu có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên website/ứng dụng. Ví dụ: www.vietbox.vn, ebay.vn,…

3.Thông báo/đăng ký website với Bộ Công Thương ở đâu?

– Thông báo website: Thực hiện thông báo Website với Bộ Công Thương trực tuyến qua Website Online.gov.vn.

– Đăng ký website: Ngoài việc đăng ký trực tuyến, chủ sở hữu website cần nộp thêm hồ sơ giấy về Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương để được xác nhận.

4.Kết quả:

– Thông báo website: Nhận logo thông báo từ Bộ Công Thương.

– Đăng ký website: Nhận giấy chứng nhận và logo đăng ký từ Bộ Công Thương.

Trên đây là một số điểm khác nhau cơ bản của hai thủ tục đăng ký website TMĐT và thông báo website TMĐT, nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, theo  Hotline: 0972.496.388 hoặc 0247.101.6886 và Email: vplstinhhoaviet@gmail.com hoặc truy cập website: http://localhost/luat/ để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.