Hotline: 08 7939 7939

Phản tố là gì? Khi nào đương sự có quyền phản tố?

10/27/2023

Phản tố là quyền hợp pháp của bị đơn được pháp luật bảo vệ và công nhận với những quy định cụ thể. Như vậy, phản tố là gì? Khi nào đương sự có quyền phản tố? Phản tố cần thực hiện những thủ tục nào?



Phản tố là gì? Khi nào đương sự  có quyền phản tố?

Pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể về quyền của các đương sự. Trong đó, quyền phản tố là một trong những quyền đặc trưng của các bị đơn. Quy định về quyền phản tố giúp cho quá trình giải quyết vụ án được khách quan và toàn diện hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. 

1. Phản tố là gì?

“Phản tố” là một thuật ngữ pháp lý có gốc từ tiếng Hán nên thường gây khó hiểu cho người mới tiếp cận, nhưng cơ bản có thể được hiểu đây là một quyền của người “bị tố” – người bị kiện hay chính là bị đơn đưa ra những yêu cầu “phản” lại với những “tố – yêu cầu của người khởi kiện”, “phản” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng có tính độc lập với yêu cầu khởi kiện nhưng sự đối lập không chỉ bao gồm việc loại trừ trực tiếp yêu cầu của nguyên đơn mà có thể theo hướng bù trừ nghĩa vụ được nêu trong yêu cầu của nguyên đơn.

Như vậy, Phản tố là quyền của bị đơn trong một vụ án dân sự, thực chất việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình (tức là kiện ngược trở lại với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn), nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong cùng 1 vụ án vì việc giải quyết yêu cầu của hai bên có yêu cầu chặt chẽ với nhau.

2. Quyền  phản tố của đương sự  theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019

Căn cứ Khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019  quy định:

“Cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.”

2.1. Về chủ thể thực hiện quyền phản tố

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019

 “Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Theo quy định này thì yêu cầu phản tố chỉ được thực hiện khi và chỉ khi bị đơn có yêu cầu đối với nguyên đơn.

Trong trường hợp nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án, bị đơn được xác định có yêu cầu phản tố đã uỷ quyền cho người khác theo đúng thủ tục để tham gia tố tụng tại Tòa án và có toàn quyền thay mặt bị đơn quyết định các vấn đề có liên quan trong vụ án. Trong trường hợp này đã có rất nhiều Tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của người đại diện theo ủy quyền nhưng cũng có những Toà án không chấp nhận vì cho rằng để thực hiện yêu cầu phản tố bị đơn phải là người trực tiếp yêu cầu. Người đại diện theo ủy quyền không có quyền yêu cầu phản tố vì họ không phải là bị đơn mà chỉ là người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn. Trong trường hợp này, người đại diện uỷ quyền của bị đơn có thể để bị đơn ký đơn yêu cầu phản tố , người được uỷ quyền chỉ nộp thay.

2.2. Thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố

Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019

Về việc đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải. Việc đưa ra yêu cầu phản tố được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Như vậy, về bản chất đưa ra yêu cầu phản tố cũng giống như việc khởi kiện một vụ án, vì vậy vai trò của bị đơn lúc này cũng đã khác, không chỉ đơn thuần là bị đơn mà kiêm luôn quyền và nghĩa vụ của một nguyên đơn trong vụ án dân sự. Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác theo Điều 72 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019.

3. Thủ tục thực hiện yêu cầu phản tố 

Căn cứ tại Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019

quy định thủ tục yêu cầu phản tố theo quy định về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Cụ thể là:

Bước 1: Cá nhân, tổ chức, cơ quan khởi kiện phải làm đơn yêu cầu phản tố

– Đơn phản tố;

– Những tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của cho yêu cầu của mình kèm theo đơn phản tố. Nếu như vì những lý do khách quan, người đưa ra yêu cầu phản tố không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh việc quyền lợi của mình bị xâm phạm. Trong quá trình giải quyết vụ án, khi Tòa án có yêu cầu thì người phản tố thực hiện việc bổ sung hoặc giao nộp tài liệu, chứng cứ khác.

Bước 2: Nộp đơn

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án, bị đơn phải nộp cho Tòa án văn bản nêu ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu phản tố.

Bị đơn được phép đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Người đưa ra yêu cầu phản tố tiến hành việc gửi đơn cũng như hồ sơ tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Bước 3: Tiếp nhận và xử lý đơn

– Tòa án nhận đơn phản tố và cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người đưa ra yêu cầu phản tố nếu như nhận đơn trực tiếp; trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người đưa ra yêu cầu phản tố trong thời hạn 02 ngày làm việc; trường hợp nhận đơn cho người đưa ra yêu cầu phản tố trực tuyến thì Tòa án thông báo qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

– Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn phản tố, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu phản tố.

– Thẩm phán phải xem xét đơn phản tố và có một trong các quyết định:

+ Nếu yêu cầu đó hợp lý thì ra quyết định chấp nhận yêu cầu phản tố.

+ Nếu yêu cầu đó không hợp lý thì ra quyết định không chấp nhận yêu cầu phản tố.

Trên đây là tổng hợp quan điểm của Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt hy vọng có thể giúp người đọc xác định đúng bản chất của phản tố và vận dụng vào quyền phản tố của mình. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ chúng tôi để được giải đáp. Trân trọng!