Hotline: 08 7939 7939

Thủ tục để bố mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất? Nghĩa vụ tài chính phải thực hiện khi sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố mẹ cho con

11/07/2022

Tặng cho quyền sử dụng đất.



Bên cạnh các hình thức như chuyển nhượng, góp vốn, thừa kế quyền sử dụng đất thì bố mẹ còn có thể tặng cho con quyền sử dụng đất và đây cũng là hình thức phổ biến giữa giao dịch giữa mẹ và con. Vậy điều kiện, thủ tục để bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con như thế nào, mời các bạn đón đọc.

1. Tổng quan về việc bố mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất

Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

[…]”

Như vậy, để thực hiện tặng cho con quyền sử dụng đất, bố mẹ có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các con của mình theo hình thức tặng cho. Theo đó, tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bố mẹ và con cái, theo đó bên tặng cho quyền sử dụng đất (bố mẹ) cho bên được tặng cho (con) mà không yêu cầu đền bù theo quy định của pháp luật về dân sự và đất đai.

2. Điều kiện để bố mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất

Điều 188 Luật đất đai năm 2013 quy định về “Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất” như sau: 

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”

Tóm lại điều kiện để bố mẹ có thể tặng cho quyền sử dụng đất cho con, cần đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ các trường hợp:

– Trường hợp 1: Người nhận thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp giấy chứng nhận nhưng được quyền tặng cho (khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013).

– Trường hợp 2: Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền tặng cho đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; hoặc trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng cho khi có điều kiện để cấp giấy chứng nhận (chưa cần có giấy chứng nhận) (khoản 1 Điều 168).

Thứ hai, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

Thứ ba, đất không có tranh chấp.

Cuối cùng, phải trong thời hạn sử dụng đất.

3. Thủ tục để bố mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất

Về cơ bản, thủ tục để bố mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất gồm có ba bước:

Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất từ bố mẹ cho con

Điểm a, d Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“ Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

[…]

Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”

Theo đó khi thực hiện thủ tục tặng cho con quyền sử dụng đất, thì bố mẹ và con phải lập hợp đồng tặng cho bằng văn bản và mang đi công chứng, chứng thực tại địa bàn.

Bước 2: Công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho tại UBND hoặc Văn phòng công chứng nơi có đất tặng cho

Khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 quy định về hồ sơ yêu cầu công chứng, bao gồm:

1. Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.”

Bước 3: Thực hiện thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố mẹ sang con tại Cơ quan đăng ký đất đai nơi có đất

Sau khi hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bố mẹ và con được ký kết thì bố mẹ có thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Phòng tài nguyên và môi trường thuộc quận, huyện, xã nơi có đất đề nghị sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hồ sơ đăng ký gồm có:

– Đơn đăng ký biến động quyền sử dụng đất;

– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn/ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

4. Nghĩa vụ tài chính phải thực hiện khi sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố mẹ cho con

Khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định:

Điều 4. Thu nhập được miễn thuế

[…]

4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.”

Theo đó, khi tiến hành thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố mẹ sang con cái thì được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Khoản 10 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP Quy định các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ:

“Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu”.

Vì vậy, trong trường hợp này nếu bố mẹ tặng cho con cái quyền sử dụng đất lần đầu thì sẽ được miễn lệ phí trước bạ.

Đội ngũ Luật sư – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TINH HOA VIỆT.

Luật sư Lưu Vũ Anh Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Vũ Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Đất đai, thừa kế.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Sơn là chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, Bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản,… Các lĩnh vực chuyên môn khác như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Luật giao thông đường bộ..

Luật sư Nguyễn Tình – Luật sư Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Là luật sư giỏi trong lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân gia đình, Doanh nghiệp, Luật sư Tình có nhiều kinh nghiệp trong hoà giải, tư vấn giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động.