Tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán
Tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán

1. Quy định về nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng
Điều 440 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Điều 440. Nghĩa vụ trả tiền
1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.
2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.”
Nghĩa vụ thanh toán là nghĩa vụ phải thực hiện đúng, đủ theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định pháp luật, trong trường hợp các bên không thỏa thuận. Nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng bao gồm nghĩa vụ thanh toán bắt buộc theo thỏa thuận hợp đồng như nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán tài sản. Tùy thuộc vào từng hợp đồng thì lãi suất quá hạn theo quy định của BLDS 2015 hoặc theo quy định tại Luật Thương mại 2005
2. Xác định thời hạn thanh toán theo hợp đồng
Tùy từng loại hợp đồng mà thời hạn thanh toán được xác định khác nhau. Thời hạn thanh toán (thực hiện nghĩa vụ) nhìn chung sẽ được xác định theo nguyên tắc được quy định tại Điều 278 BLDS 2015 như sau:
“Điều 278. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ
1. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thoả thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.
3. Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.”
3. Mức phạt chậm thanh toán tiền
- Đối với mức lãi suất chậm trả trong quan hệ thương mại áp dụng theo Điều 306 Bộ luật thương mại sẽ bằng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Căn cứ để xác định khái niệm “trung bình trên thị trường” được Tòa án, Trọng tài xác minh và áp dụng cho từng vụ án cụ thể. Năm 2021, căn cứ vào mức lãi suất cho vay tại Vietcombank, Vietinbank và Agribank thì mức lãi suất chậm trả sẽ rơi vào khoảng 10%.
- Đối với quan hệ khác, Bộ luật dân sự 2015 đã có sự thay đổi với quy định tại khoản 2 Điều 357 rằng: “Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”. Trong khi đó khoản 2 Điều 468 BLDS 2015 khẳng định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”, tức bằng 10%/năm của khoản tiền vay.
4. Quyền yêu cầu đòi tiền lãi trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán
“Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán” là một CHẾ TÀI theo quy định của Luật thương mại 2005 do đó trong thực tế kinh doanh thương mại mọi người quen gọi là: “Phạt chậm thanh toán tiền”.
Khi bên vi phạm vi phạm nghĩa vụ thanh toán, trước hết luật sư tư vấn cho khách hàng kiểm tra thoả thuận trong hợp đồng về lãi suất trong trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Lãi suất đó được các bên thỏa thuận như thế nào? Có phù hợp với quy định của pháp luật không? Trường hợp lãi thoả thuận trong hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật thì tư vấn cho khách hàng áp dụng mức lãi suất theo thỏa thuận để tính tiền lãi chậm thanh toán. BLDS năm 2015, quy định lãi suất thoả thuận của các bên trong hợp đồng không được vượt quá 20 %/năm. Điều 306 LTM năm 2005 không hạn chế mức thỏa thuận về lãi của các bên trong hợp đồng với quy định: Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả , trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, với quan điểm BLDS là luật chung điều chỉnh quan hệ hợp đồng dân sự (theo nghĩa rộng) thì thỏa thuận về lãi suất của các bên trong hợp đồng thương mại không được vượt quá mức trần theo quy định của BLDS năm 2015.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán thì đối với hợp đồng thương mại, luật sư tư vấn cho khách hàng áp dụng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán để tính tiền lãi. Thời điểm thanh toán chính là thời điểm bên bị vi phạm nghĩa vụ thanh toán yêu cầu bên kia trả nợ. Để xác định thế nào là lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán thì luật sư căn cứ vào Án lệ số 09/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07/10/2016 và được công bố theo Quyết định số 69/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Trong trường hợp này, cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam…) để tính lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật. Án lệ không quy định rõ lãi suất này là lãi suất cho vay đối với kỳ hạn nào (ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn).
Trong các hợp đồng dân sự mà các bên không có thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán thì luật sư tư vấn cho khách hàng mức lãi suất phù hợp không quá mức trần về lãi suất là 10 %/năm trên số tiền chậm thanh toán theo quy định tại Điều 357 BLDS năm 2015.
Đội ngũ Luật sư – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TINH HOA VIỆT.
![]() |
Luật sư Lưu Vũ Anh Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt. Luật sư Vũ Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Đất đai, thừa kế. |
![]() |
Luật sư Đỗ Hồng Sơn Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt. Luật sư Sơn là chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, Bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản,… Các lĩnh vực chuyên môn khác như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Luật giao thông đường bộ.. |
![]() |
Luật sư Nguyễn Tình – Luật sư Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt. Là luật sư giỏi trong lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân gia đình, Doanh nghiệp, Luật sư Tình có nhiều kinh nghiệp trong hoà giải, tư vấn giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động. |