Tư vấn pháp luật Luật dân sự Tư vấn PL Doanh nghiệp

Quy trình thành lập doanh nghiệp theo quy định mới nhất

Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể, cụ thể năm 2023 đã có 159.294 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu trên đủ để thấy rằng nhu cầu tìm hiểu về thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Trong bài viết này, Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt sẽ hướng dẫn quy trình để thành lập doanh nghiệp theo quy định mới nhất.

Bước 1: Chọn loại hình doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp hiện hành đang công nhận 04 loại hình doanh nghiệp, gồm:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH): Bao gồm Công ty TNHH 1 thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên;

– Công ty cổ phần;

– Công ty hợp danh;

– Doanh nghiệp tư nhân.

Khi có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức trước hết cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Để biết nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp, cần hiểu rõ về tính chất, đặc điểm và điều kiện của từng loại hình doanh nghiệp này. (Chi tiết về đặc điểm các loại hình doanh nghiệp xem tại bài viết.)

Bước 2: Xác định tên doanh nghiệp, nơi đặt trụ sở, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh

1. Về tên doanh nghiệp:

Theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi đặt tên cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cần có những lưu ý sau:

– Tên tiếng Việt gồm 02 thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng;

– Tên doanh nghiệp không được trùng với tên của công ty khác;

– Không sử dụng tên cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội… để đặt tên công ty;

– Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, thuần phong, mỹ tục.

2. Nơi đặt trụ sở doanh nghiệp: 

Theo quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020, trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, được xác định theo địa giới đơn vị hành chính.

3. Vốn điều lệ:

Nếu lựa chọn loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc công ty TNHH, tổ chức, cá nhân phải xác định số vốn điều lệ. Tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về vốn Điều lệ như sau: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”

Như vậy, trường hợp thành lập công ty cổ phần thì vốn điều lệ là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty. Trường hợp thành lập loại hình doanh nghiệp là công ty hợp danh hoặc công ty TNHH thì vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty.

4. Ngành, nghề kinh doanh:

Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Điều này có nghĩa là, khi thành lập doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải loại trừ các ngành, nghề mà pháp luật không cho phép kinh doanh.

Ngoài ra, cần lưu ý các ngành nghề bị hạn chế đầu tư, kinh doanh và các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020. 

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh 

Theo các Điều 19, 20, 21, 22 của Luật Doanh nghiệp 2020, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Bản sao giấy tờ pháp lý của chủ doanh nghiệp tư nhân.

2. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Điều lệ công ty;

– Danh sách thành viên;

– Bản sao giấy tờ pháp lý của từng thành viên;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp là nhà đầu tư nước ngoài.

3. Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

​- Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức trong trường hợp thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

+ Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài cần có bản sao giấy tờ pháp lý đã được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

4. Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Điều lệ công ty;

– Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân nếu cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức nếu cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

+ Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý phải được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh

1. Về nơi nộp hồ sơ:

Sau khi hoàn tất hồ sơ đăng ký kinh doanh, tổ chức, cá nhân cần nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.

2. Hình thức nộp hồ sơ:

Theo khoản 1 Điều 26 của Luật Doanh nghiệp 2020, tổ chức, cá nhân làm thủ tục đăng ký kinh doanh có thể nộp hồ sơ theo một trong ba hình thức:

– Nộp trực tiếp:

– Nộp qua đường bưu điện:

– Nộp online qua mạng.

Bước 5: Nộp lệ phí đăng ký kinh doanh 

Một trong những bước quan trọng khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp là song song với việc nộp hồ sơ, tổ chức, cá nhân phải nộp lệ phí đăng ký kinh doanh.

Theo Điều 37 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, phí, lệ phí đăng ký kinh doanh có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.

* Mức lệ phí:

Căn cứ Thông tư 47/2019/TT-BTC, các khoản phí và lệ phí mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi làm thủ tục thành lập công ty bao gồm:

– Lệ phí đăng ký kinh doanh: 50.000 đồng/lần

– Phí công bố thông tin: 100.000 đồng/lần

Trong trường hợp đăng ký kinh doanh qua mạng hoặc thành lập công ty trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được miễn 02 khoản phí, lệ phí trên.

Bước 6: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo khoản 5 Điều 26 của Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ được cấp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

– Ngành, nghề kinh doanh không bị cấm;

– Tên của doanh nghiệp đặt đúng quy định;

– Hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ;

– Nộp đủ phí và lệ phí theo quy định.

Bước 7: Khắc con dấu của doanh nghiệp

Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần thực hiện khắc con dấu để sử dụng cho các giao dịch (hoặc có thể sử dụng chữ ký số để thay cho con dấu).

Theo Điều 43 của Luật Doanh nghiệp 2020, các doanh nghiệp được tự quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung của con dấu. Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định các công ty phải thực hiện thủ tục công bố mẫu dấu của công ty trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 hiện nay đã bãi bỏ quy định này. Do đó, các doanh nghiệp sau khi thành lập không còn phải làm thủ tục công bố mẫu dấu doanh nghiệp.

Bước 8: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Sau khi hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần tiến hành công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp theo Điều 32 của Luật Doanh nghiệp 2020.

1. Các nội dung cần công bố: 

Bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:

– Ngành, nghề kinh doanh;

– Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).

2. Thời hạn công bố: 30 ngày kể từ ngày được công khai. 

Trên đây là những ý kiến pháp lý của Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt về quy trình thành lập doanh nghiệp theo quy định mới nhất. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784