Luật dân sự

Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 khi thực hiện chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự.

Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 khi thực hiện chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự.

1. Chuyển giao quyền yêu cầu là gì?

Chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận giữa bên có quyền với bên thứ ba (bên thế quyền) nhằm chuyển giao quyền yêu cầu cho bên thứ ba đó. Bên thế quyền là chủ thể mới, có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của họ đối với mình.

Thực chất, chuyển giao quyền yêu cầu là một hợp đồng bởi việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao. Ví dụ: Mua bán hoặc tặng cho quyền đòi nợ….

Khác với việc thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba (ủy quyền), trong chuyển giao quyền yêu cầu, khi quyền yêu cầu được chuyển giao thì quan hệ nghĩa vụ giữa bên chuyển quyền và bên có nghĩa vụ sẽ chấm dứt và sẽ phát sinh một quan hệ nghĩa vụ mới giữa người thế quyền với người có nghĩa vụ. Ví dụ: A cho B vay tiền. Sau đó A bán quyền đòi nợ cho C. Lúc này thỏa thuận giữa A và C là chuyển giao quyền yêu cầu. Sau khi thỏa thuận có hiệu lực, quan hệ nghĩa vụ giữa A và B sẽ chấm dứt, thay vào đó chủ thể có quyền đòi nợ đối với B là C.

2. Các trường hợp không được phép chuyển giao quyền yêu cầu

Theo Khoản 1 Điều 365 Bộ luật dân sự 2015:

Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:

a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.

Như vậy, Điều luật cho phép bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được phép chuyển giao quyền yêu cầu cho người khác. Chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó bên có quyền yêu cầu sẽ chuyển giao quyền yêu cầu cho người thứ ba.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên đặc biệt là bên yếu thế trong quan hệ dân sự, trong một số trường hợp điều luật quy định về việc không được phép chuyển giao quyền yêu cầu. Đó là quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Đây là quyền tài sản gắn liền với nhân thân của người có quyền. Cụ thể, quyền yêu cầu cấp dưỡng được pháp luật trao cho những người ở trong những điều kiện đặc biệt và thường có mối quan hệ thân thích với người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín… bao gồm cả thiệt hại về vật chất cùng thiệt hại về tinh thần cho cả người bị thiệt hại và thân nhân của người bị thiệt hại. Nêu những quyền này được chuyển giao thì nó không còn ý nghĩa đối với người có quyền nữa. Vì vậy, trong trường hợp này pháp luật không cho phép chuyển giao quyền yêu cầu.

Bên cạnh đó, điều luật cũng quy định về trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu thì các bên cũng không được chuyển giao. Quy định này thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với sự tự do ý chí và sự tự định đoạt của các bên và dự liệu các trường hợp cần thiết khác trong tương lai mà pháp luật cần hạn chế việc chuyển giao quyền yêu cầu.

3. Việc chuyển giao quyền có cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ không?

Việc chuyển giao quyền yêu cầu không ảnh hưởng đến lợi ích của bên có nghĩa vụ bởi lẽ khi thực hiện nghĩa vụ với bất kì ai nhận chuyển giao quyền thì người này vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đó. Chính vì vậy, pháp luật cho phép việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Cụ thể khoản 2 Điều 365 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.

Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong việc thực hiện quyền dân sự của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Về thủ tục, khi chuyển giao quyền yêu cầu, pháp luật quy định người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ do việc không thông báo gây ra thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này. Tuy nhiên, kể cả trường hợp các bên đã thông báo nhưng do việc chuyển quyền mà phát sinh chi phí tăng lên đối với bên có nghĩa vụ thì cũng phát sinh nghĩa vụ thanh toán của bên chuyển quyền đối với bên có nghĩa vụ. Ví dụ: Do địa điểm của bên thế quyền xa hơn làm phát sinh chi phí vận chuyển đối với bên có nghĩa vụ.

4. Chuyển giao nghĩa vụ

Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”.

Chuyển giao nghĩa vụ được hiểu là sự thỏa thuận giữa bên có nghĩa vụ với người thứ ba theo đó bên có nghĩa vụ sẽ chuyển giao nghĩa vụ đó cho người thứ ba. Khi nghĩa vụ được chuyển giao thì bên nhận chuyển giao nghĩa vụ được gọi là người thế nghĩa vụ. Quan hệ nghĩa vụ giữa người có nghĩa vụ với người có quyền chấm dứt và phát sinh một quan hệ nghĩa vụ mới giữa người thế nghĩa vụ với người có quyền và người thế nghĩa vụ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ với người có quyền.

Trong chuyển giao nghĩa vụ dân sự thì người có nghĩa vụ không tự mình thực hiện nghĩa vụ đã giao kết mà chuyển giao cho người khác (người thế nghĩa vụ) thực hiện nghĩa vụ giữa mình với bên mang quyền với điều kiện có sự đồng ý của chủ thể đó.

Như vậy, về bản chất, sự chuyển giao nghĩa vụ dân sự là sự chuyển dịch nghĩa vụ pháp lý từ chủ thể chuyển sang chủ thể nhận. Chủ thể nhận nghĩa vụ chính là người thứ ba thay thế người có nghĩa vụ trước và trở thành bên có nghĩa vụ.

5. Chuyển giao nghĩa vụ có cần sự đồng ý của bên có quyền không?

Cùng với việc ghi nhận về việc chuyển giao quyền, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định về việc chuyển giao nghĩa vụ.

Theo Điều 370 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 370. Chuyển giao nghĩa vụ

1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.

2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.

Khác với chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ thì trong chuyển giao nghĩa vụ pháp luật quy định cần phải có sự đồng ý của bên có quyền. Quy định này là phù hợp và cần thiết bởi lẽ nếu trong chuyển giao quyền yêu cầu thì với ai bên có nghĩa vụ cũng phải thực hiện nghĩa vụ thì trong chuyển giao nghĩa vụ bên có quyền lại cần phải được biết về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên thế nghĩa vụ. Nếu bên thế nghĩa vụ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì quyền lợi của bên có quyền sẽ bị ảnh hưởng.

Ví dụ: A vay B 100 triệu đồng. Do C đang nợ A một khoản tiền bằng với số tiền A vay của B nên A muốn chuyển nghĩa vụ trả nợ sang cho C. A đã thỏa thuận với C về việc chuyển giao nghĩa vụ và được B đồng ý. Sau khi thỏa thuận có hiệu lực, phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa C và B. Lúc này C là người thế nghĩa vụ.

Pháp luật hiện hành còn có những quy định cho chuyển giao nghĩa vụ dân sự mà không có sự thỏa thuận hay ưng thuận nêu trên. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi cá nhân chết, nghĩa vụ về tài sản của cá nhân không đương nhiên chấm dứt và vấn đề xác định người thế nghĩa vụ được đặt ra.

Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Như vậy, khi những người thừa kế nhận di sản thừa kế thì phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản mà người chết để lại. Việc chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp này không cần có sự ưng thuận của những người liên quan.

Tương tự với chuyển giao quyền yêu cầu, có những trường hợp luật không cho phép chuyển giao đó là những nghĩa vụ gắn với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc trong trường hợp cụ thể pháp luật quy định không được chuyển giao như nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thực hiện công việc trong hợp đồng dịch vụ hoặc nghĩa vụ do các bên thỏa thuận không được chuyển giao.

Như vậy ngoài những trường hợp pháp luật quy định không cho phép chuyển giao quyền và nghĩa vụ hoặc các bên có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thì khi thực hiện chuyển giao quyền người có quyền để chuyển giao sẽ không cần sự đồng ý của người được nhận chuyển giao quyền. Còn đối với trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thì người có nghĩa vụ khi muốn chuyển giao cho người được nhận nghĩa vụ phải được sự đồng ý của người nhận. 

Trên đây là ý kiến của Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt về vấn đề chuyển giao quyền và nghĩa vụ. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt để được tư vấn.

Đội ngũ Luật sư – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TINH HOA VIỆT.

Luật sư Lưu Vũ Anh Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Vũ Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Đất đai, thừa kế.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Sơn là chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, Bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản,… Các lĩnh vực chuyên môn khác như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Luật giao thông đường bộ..

Luật sư Nguyễn Tình – Luật sư Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Là luật sư giỏi trong lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân gia đình, Doanh nghiệp, Luật sư Tình có nhiều kinh nghiệp trong hoà giải, tư vấn giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784