Tư vấn PL dân sự

Ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự

Ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự

Trong quá trình tham gia tố tụng dân sự, đương sự có thể trực tiếp tham gia hoặc cũng có thể ủy quyền cho người thứ ba (bên được ủy quyền) để thực hiện hành vi tố tụng dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn công tác xét xử hiện nay đang có sự không thống nhất trong nhận thức về một số quy định của pháp luật, trong đó có việc ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự. Do pháp luật chưa quy định cụ thể nên có những vấn đề có nhiều cách hiểu khác nhau.

Điều 186 BLTTDS 2015 về quyền khởi kiện quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Khoản 2 Điều 189 BLTTDS 2015 về việc làm đơn khởi kiện của cá nhân tại các điểm a và b quy định:

“a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;”

Các quy định trên dẫn đến những quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm 1: Điều 186 BLTTDS 2015 quy định về quyền khởi kiện, theo đó cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án và người đại diện hợp pháp ở đây bao gồm người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật. Do đó, người đại diện theo ủy quyền có thể trực tiếp ký đơn hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện. Tức là, người có quyền và lợi ích bị xâm hại có thể ủy quyền cho người khác khởi kiện và tham gia tố tụng từ giai đoạn làm đơn khởi kiện để nộp đến Tòa án.

Quan điểm 2: Quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015 đã xác định đối với cá nhân có quyền, lợi ích bị xâm hại là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì phải trực tiếp ký hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện và cho rằng đây là quyền nhân thân của người khởi kiện, không thể chuyển giao cho người khác. Chỉ trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ mới ký hoặc điểm chỉ đơn khởi kiện vụ án. Theo quan điểm 2, người có quyền và lợi ích bị xâm phạm phải trực tiếp ký, điểm chỉ vào đơn khởi kiện và việc ủy quyền tham gia tố tụng giải quyết vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích của họ chỉ được thực hiện sau khi khởi kiện và Tòa án đã thụ lý vụ án.

Trên thực tiễn giải quyết vụ án, khi người khởi kiện là người đại diện hợp pháp theo ủy quyền nộp đơn khởi kiện đến Tòa án thì một số Tòa án đã không nhận đơn khởi kiện để thụ lý và yêu cầu bắt buộc người có quyền và lợi ích bị xâm phạm phải trực tiếp ký hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện chức không thông qua người đại diện theo ủy quyền.

Khi Tòa án giải quyết vụ án thì ngoài việc xem xét các giấy tờ, tài liệu,… tranh chấp ra thì Tòa án còn xem xét lời khai của đương sự. Do đó, trong đơn khởi kiện lời khai của đương sự là một trong những căn cứ để Tòa án giải quyết vụ án. Vì vậy, nếu người khởi kiện chỉ ủy quyền cho người khác ký thay đơn khởi kiện mà không trực tiếp ký đơn khởi kiện thì có thể dẫn đến hệ lụy là người khởi kiện không thừa nhận lời nội dung trình bày và yêu cầu nào đó trong đơn khởi kiện nếu việc giải quyết của Tòa án sau này không có lợi cho người khởi kiện. Do đó, để ràng buộc trách nhiệm của người khởi kiện về nội dung khởi kiện của mình thì pháp luật nên quy định người khởi kiện phải ký trực tiếp hoặc điểm chỉ xác nhận vào đơn khởi kiện. 

Việc ủy quyền trong tố tụng dân sự có bắt buộc phải thực hiện đúng hình thức quy định pháp luật hay không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 thì người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong BLDS lại không có quy định hình thức ủy quyền là như thế nào và cũng không có văn bản hướng dẫn rõ là ủy quyền bằng lời nói hay bằng văn bản và có cần phải công chứng hoặc chứng thực hay không?

Do BLDS điều chỉnh về nhiều loại quan hệ dân sự khác nhau nên có một số giao dịch nhỏ, đơn giản thì chỉ cần hình thức ủy quyền bằng lời nói, tuy nhiên đối với giao dịch dân sự quan trọng thì pháp luật nên quy định hình thức bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực để hạn chế rủi ro, tranh chấp về sau giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Trong hoạt động tố tụng dân sự thì để đảm bảo trách nhiệm ràng buộc giữa người ủy quyền và người được ủy quyền thì pháp luật tố tụng cần phải quy định việc ủy quyền trong tố tụng dân sự bắt buộc phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực. Do pháp luật chưa quy định cụ thể về việc quy định ủy quyền trong tố tụng dân sự phải bằng hình thức văn bản và có công chứng hoặc chứng thực nên thực tế tại một số Tòa án đã tự tạo ra các biểu mẫu ủy quyền khác nhau, không đảm bảo tính thống nhất pháp luật. Do vậy, pháp luật cần phải quy định hình thức ủy quyền trong tố tụng dân sự và biểu mẫu kèm theo để đảm bảo tính thống nhất pháp luật.

Trên đây là quan điểm của Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt về uỷ quyền khởi kiện vụ án dân sự. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý.

Đội ngũ Luật sư – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TINH HOA VIỆT.

Luật sư Lưu Vũ Anh Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Vũ Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Đất đai, thừa kế.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Sơn là chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, Bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản,… Các lĩnh vực chuyên môn khác như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Luật giao thông đường bộ..

Luật sư Nguyễn Tình – Luật sư Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Là luật sư giỏi trong lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân gia đình, Doanh nghiệp, Luật sư Tình có nhiều kinh nghiệp trong hoà giải, tư vấn giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784