Luật dân sự

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Xác định nguồn nguy hiểm cao độ

Bộ luật Dân sự năm 2015 không đưa ra khái niệm cụ thể về nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê những vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định“.

Theo đó, ta có thể hiểu nguồn nguy hiểm cao độ là những vật mà bản thân hoạt động của chúng đã tồn tại khả năng gây thiệt hại cho các chủ thể khác. Ví dụ như:

– Phương tiện giao thông vận tải cơ giới gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.

– Hệ thống tải điện có thể hiểu là gồm lưới điện truyền tải và các nhà máy điện đấu nối vào lưới điện truyền tải.

– Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

– Các chất cháy, chất nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn dễ gây ra cháy nổ.

– Chất nổ với khả năng gây nổ mạnh, nhanh tỏa nhiệt.

– Chất độc được hiểu là những chất có độc tính cao, rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, động vật cũng như đối với môi trường xung quanh.

– Chất phóng xạ theo quy định của pháp luật là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn hơn mức miễn trừ.

Bên cạnh đó, theo Điều 601, BLDS 2015 thì: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: 

(i) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; 

(ii) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

Do đo, nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi có đủ hai yếu tố sau: 

(1) Phải có sự hiện diện của một loại nguồn nguy hiểm cao độ, tức là tài sản gây thiệt hại phải là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2005 và Điều 601 BLDS năm 2015;

(2) Thiệt hại phải do tự thân hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (ví dụ xe ô tô đang di chuyển thì bị nổ lốp gây thiệt hại, xe ô tô đang xuống dốc thì đứt phanh dẫn đến tai nạn…).

2. Quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

 Điều 585 BLDS năm 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

(1) Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Việc bồi thường xuất phát từ nguyên tắc công bằng, thiệt hại bao nhiêu thì mức bồi thường sẽ là bấy nhiêu. Và việc bồi thường phải kịp thời cho người bị thiệt hại nhằm khắc phục tình trạng về tài sản của người bị thiệt hại, tạo điều kiện cho họ khắc phục tài sản khi bị thiệt hại. Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra bao gồm những chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; 

(2) Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. Điều này nhằm tạo ra tính khả thi trong việc thực hiện BTTH trên thực tế. Vì có rất nhiều trường hợp mà khi mức thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của người liên quan đến trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì họ không thể thực hiện việc bồi thường cho chủ thể kia do không đủ tài chính để chi trả; 

(3) Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Việc thay đổi mức bồi thường sẽ căn cứ vào yêu cầu của các bên và thực tế cần phải sự thay đổi mức bồi thường và do Tòa án xác định. Mức bồi thường có thể tăng hoặc giảm tùy theo việc xác định đó; 

(4) Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra; 

(5) Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Khoản 2, khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:

“2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản.

3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH:

(1) Có thiệt hại xảy ra, thiệt hại được hiểu là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không bao gồm thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Bởi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại là do sự hoạt động của các phương tiện cơ giới, do vậy những thiệt hại gây ra cho người bị thiệt hại là tài sản, sức khỏe, tính mạng

2) Thiệt hại do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Do đó cần xác định rõ: Thiệt hại phải do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; Đối với phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp thì chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ khi “đang hoạt động”. Còn trường hợp thiệt hại xảy ra khi nguồn nguy hiểm cao độ đang ở trạng thái “tĩnh” thì không thể coi là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

(3) Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra. Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra có ý nghĩa pháp lý quan trọng vì nó là bằng chứng để xác định có hay không có trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Đối với trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng thì hành vi trái pháp luật được coi là nguyên nhân và thiệt hại được coi là hậu quả. Về mặt nguyên tắc, hành vi trái pháp luật phải có trước và thiệt hại có sau. Như vậy, để phát sinh trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì tự thân sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại. 

(4) Lỗi trong trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh ngay cả khi chủ sở hữu hay người sử dụng nguồn nguy hiểm không có. Dấu hiệu quan trọng nhất để xác định trách nhiệm này là hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ chính là nguyên nhân trực tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Một điểm quan trọng cần lưu ý là lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu trong trách nhiệm BTTH do tài sản (trong đó có nguồn nguy hiểm cao độ) gây ra chỉ có thể là lỗi vô ý.

Đội ngũ Luật sư – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TINH HOA VIỆT.

Luật sư Lưu Vũ Anh Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Vũ Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Đất đai, thừa kế.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Sơn là chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, Bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản,… Các lĩnh vực chuyên môn khác như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Luật giao thông đường bộ..

Luật sư Nguyễn Tình – Luật sư Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Là luật sư giỏi trong lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân gia đình, Doanh nghiệp, Luật sư Tình có nhiều kinh nghiệp trong hoà giải, tư vấn giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784