Tư vấn PL bảo hiểm

Tư vấn đòi quyền lợi bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.

Tư vấn đòi quyền lợi bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.

Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển chiếm tới 90% hàng hóa xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Do đó, vấn đề bảo vệ hàng hóa không bị hỏng hóc, mất mát trong quá trình vận chuyển rất quan trọng. Vì vậy, các hợp đồng bảo hiểm hàng hóa ngày càng được quan tâm. Mục đích của việc mua bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường biển chính là giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra khi có rủi ro, sự cố. Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, nhiều trường hợp người mua bảo hiểm không nhận được bồi thường như mong muốn. Khi đó, sử dụng dịch vụ tư vấn đòi quyền lợi bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển chính là cách hiệu quả để người mua bảo hiểm bảo vệ quyền lợi của mình.

1. Những rủi ro được bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển

1.1. Rủi ro thuộc điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển

Điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển được xây dựng trên cơ sở điều khoản ICC 1982 của Viện những người bảo hiểm London (Institute of London Underwriters – ILU). Các điều kiện của ICC được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới và trở thành tập quán thông dụng quốc tế. Theo quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển được ban hành bởi Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), các rủi ro thuộc điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển bao gồm:

Điều kiện bảo hiểm A:

Với điều kiện bảo hiểm này, các rủi ro được bảo hiểm bao gồm: Người bảo hiểm chịu trách nhiệm về mọi rủi ro gây ra mất mát, hư hỏng cho hàng hoá được bảo hiểm, trừ những trường hợp thuộc điều kiện loại trừ bảo hiểm. Rủi ro được bảo hiểm theo điều kiện bảo hiểm A gồm các rủi ro chính: Tàu mắc cạn, cháy, chìm, đắm, đâm va phải những vật thể khác, mất tích… và những rủi ro phụ khác như cong, gỉ, hấp hơi, hư hỏng, đổ vỡ, thiếu hụt, trộm cắp, không giao hàng … do các tác động ngẫu nhiên bên ngoài trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ, bảo quản, lưu kho hàng hoá.

Điều kiện bảo hiểm B:

Với điều kiện bảo hiểm này, người bảo hiểm chịu trách nhiệm với:

  • Những mất mát, hư hỏng xảy ra cho hàng hoá được bảo hiểm có thể quy hợp lý cho các nguyên nhân sau:

  • Cháy hoặc nổ;
  • Tàu hay sà lan bị mắc cạn, hay lật úp;
  • Tàu đâm va nhau hoặc tàu, sà lan hay phương tiện vận chuyển đâm va phải bất kỳ vật thể gì bên ngoài không kể nước;
  • Dỡ hàng tại một cảng nơi tàu gặp nạn;
  • Phương tiện vận chuyển đường bộ bị lật đổ hoặc trật bánh;
  • Động đất, núi lửa phun hoặc sét đánh.
  • Những mất mát, hư hỏng xảy ra đối với hàng hoá được bảo hiểm do các nguyên nhân sau:

  • Hy sinh tổn thất chung;
  • Ném hàng khỏi tàu hoặc nước cuốn khỏi tàu;
  • Nước biển, nước hồ, hay nước sông chảy vào tàu, sà lan, hầm hàng, phương tiện vận chuyển, công-ten-nơ hoặc nơi chứa hàng.

  • Tổn thất toàn bộ của bất kỳ kiện hàng nào rơi khỏi tàu hoặc rơi trong khi đang xếp hàng lên hay đang dỡ hàng khỏi tàu hoặc sà lan.
  • Hàng hoá được bảo hiểm bị mất do tàu hoặc phương tiện chở hàng mất tích.

Điều kiện bảo hiểm C:

Theo điều kiện này người bảo hiểm chịu trách nhiệm đối với:

  • Những mất mát, hư hỏng xảy ra cho hàng hoá được bảo hiểm có thể quy hợp lý cho các nguyên nhân sau:

  • Cháy hoặc nổ;
  • Tàu hay sà lan bị mắc cạn, đắm hay lật úp;
  • Tàu đâm va nhau hoặc tàu, sà lan hay phương tiện vận chuyển đâm va phải bất kỳ vật thể gì bên ngoài không kể nước;
  • Dỡ hàng tại một cảng nơi tàu gặp nạn;
  • Phương tiện vận chuyển đường bộ bị lật đổ hoặc trật bánh;
  • Những mất mát hư hỏng xảy ra đối với hàng hoá được bảo hiểm do các nguyên nhân sau gây ra:

  • Hy sinh tổn thất chung;
  • Ném hàng khỏi tàu;
  • Hàng hoá được bảo hiểm bị mất do tàu hoặc phương tiện chở hàng mất tích.

1.2. Rủi ro bị loại trừ trong bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển

Trong bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, các rủi ro bị loại trừ bao gồm:

Rủi ro không được bảo hiểm:

  • Những mất mát, hư hỏng hay chi phí được quy là do việc làm xấu cố ý của người bảo hiểm.
  • Những mất mát, hư hỏng hay chi phí có nguyên nhân trực tiếp do chậm trễ, dù chậm trễ xảy ra do một rủi ro được bảo hiểm.
  • Những mất mát, hư hỏng hay chi phí phát sinh do tàu hoặc sà lan không đủ khả năng đi biển và do tàu, sà lan, phương tiện vận chuyển hoặc công-ten-nơ không thích hợp cho việc chuyên chở hàng an toàn nếu người được bảo hiểm hay những người làm công cho họ được biết riêng về trạng thái không đủ khả năng đi biển hay không thích hợp đó vào thời gian bốc xếp hàng hóa.
  • Những mất mát, hư hỏng hay chi phí phát sinh do việc đóng gói hoặc chuẩn bị hàng hoá được bảo hiểm không đầy đủ hoặc không thích hợp và do việc xếp hàng hỏng lên tàu.
  • Hàng hoá được bảo hiểm bị rò chảy thông thường hao hụt trọng lượng hay giảm thể tích thông thường, hoặc hao mòn tự nhiên.
  • Những mất mát, hư hỏng hay chi phí phát sinh do chủ tàu, người quản lý, người thuê hay người điều hành tàu không trả được nợ hoặc thiếu thốn về tài chính gây ra.

Rủi ro phải bảo hiểm riêng:

Là những rủi ro bị loại trừ đối với các điều kiện tiêu chuẩn, nếu chủ hàng hoặc tàu muốn được bảo hiểm thì phải mua riêng như:

  • Những mất mát, hư hỏng hay chi phí gây ra bởi:

  • Chiến tranh, nội chiến, cách mạng khởi nghĩa, phản loạn hoặc quần chúng nổi dậy khi xảy ra những biến cố này hoặc do bất kỳ hành động thù địch nào khác của một thế lực tham chiến hay chống lại thế lực đó.
  • Việc chiếm, bắt giữ, cầm giữ tài sản hoặc kiềm chế (trừ khi do cướp biển và trong trường hợp đang áp dụng điều kiện “A”) và hậu quả hay bất kỳ mưu toan nào phát sinh từ những sự việc này.
  • Mìn, thuỷ lôi, bom hay những vũ khí chiến tranh khác đang trôi dạt.
  • Những mất mát, hư hỏng hay chi phí:

  • Do những người đình công hay công nhân bị cấm xưởng gây ra hoặc do những người tham gia các vụ gây rối trong lao động, làm náo loạn hoặc bạo động gây ra.
  • Phát sinh từ những cuộc đình công, cấm xưởng những vụ gây rối trong lao động, phản loạn hoặc bạo động.
  • Do bất kỳ kẻ khủng bố nào hoặc do bất kỳ người nào đang hành động vì một lý do chính trị nào gây ra.

  • Những mất mát, hư hỏng hay chi phí phát sinh từ việc sử dụng bất kỳ một loại vũ khí chiến tranh gì có sử dụng năng lượng nguyên tử, hạt nhân và/hoặc phản ứng hạt nhân, phóng xạ hoặc tương tự.
  • Những mất mát, hư hỏng hay chi phí do khuyết tật vốn có hoặc do tính chất riêng của loại hàng được bảo hiểm.
  • Hàng hoá hay một bộ phận của hàng hoá bị hư hại hay bị phá huỷ có chủ tâm do hành động sai lầm của bất kỳ người nào gây ra. Điểm này không áp dụng trong trường hợp bảo hiểm theo điều kiện A.

2. Quy trình và thủ tục yêu cầu đòi bồi thường bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển

2.1. Khi nào xảy ra yêu cầu đòi bồi thường?

Yêu cầu bồi thường bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển xảy ra khi có tổn thất xảy ra đối với hàng hóa được vận chuyển mà thuộc trường hợp những rủi ro được bảo hiểm nêu trên. Những yêu cầu đòi bồi thường hay gặp với bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển bao gồm:

Yêu cầu đòi bồi thường của người được bảo hiểm đối với người bảo hiểm:

Khi xảy ra tổn thất đối với hàng hóa được bảo hiểm nằm trong phạm vi được bảo hiểm, người được bảo hiểm phải làm thủ tục khiếu nại đòi tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc giải quyết khiếu nại là trung thực tuyệt đối và người được bảo hiểm phải đưa ra những bằng chứng về tổn thất hoặc hư hại về của cải đã được khiếu nại.

Sau khi xác định được tổn thất thuộc phạm vi trách nhiệm của người bảo hiểm, công việc tiếp theo của người bảo hiểm sẽ là giải quyết khiếu nại, tính toán số tiền bồi thường và bồi thường cho người được bảo hiểm. Đây là khâu quan trọng nhưng lại mang tính “nhạy cảm” cao, dễ nảy sinh tranh chấp trong quan hệ bảo hiểm.

Yêu cầu của người bảo hiểm đòi người vận chuyển bồi thường:

Bộ luật hàng hải Việt Nam đã công nhận quyền của người bảo hiểm trong việc yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền khoản tiền mà người bảo hiểm đã phải trả cho người được bảo hiểm nếu tổn thất dẫn đến việc bồi thường này do lỗi của người thứ ba gây ra. Trong bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển, người thứ ba ở đây thường là người vận chuyển. Trách nhiệm của người vận chuyển đối với tổn thất của hàng hóa sẽ phát sinh trong các trường hợp sau:

  • Hàng giao thiếu số lượng;
  • Hàng hỏng do kỹ thuật chất xếp chèn lót hàng sai;
  • Hàng hỏng do tàu không có đủ khả năng đi biển;
  • Hàng hỏng do hầm hàng thông gió kém;
  • Hàng hỏng do bị rò rỉ từ hàng khác;
  • Hàng bị mất cắp khi còn nằm trong sự bảo quản của người vận chuyển.

Trong những tổn thất nêu trên đây, nếu tổn thất nào thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của người bảo hiểm (căn cứ vào phạm vi, điều kiện bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm) thì người bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm và được truy đòi người vận chuyển. Trường hợp tổn thất trên không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của người bảo hiểm, người được bảo hiểm có quyền yêu cầu người vận chuyển bồi thường theo mức độ lỗi của họ.

Để được yêu cầu, người mua bảo hiểm phải chứng minh được:

  • Người yêu cầu phải có lợi ích bảo hiểm;
  • Hàng hoá bị tổn thất phải đã được bảo hiểm;
  • Tổn thất xảy ra thuộc một trong các rủi ro được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm;
  • Mức độ tổn thất của hàng hóa;

2.2. Quy trình và thủ tục yêu cầu như thế nào?

Để yêu cầu bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường biển, người mua bảo hiểm thực hiện theo trình tự sau đây:

  • Phản ánh, khiếu nại tới Công ty Bảo hiểm. Người mua bảo hiểm có thể tới gặp trực tiếp Bộ phận chăm sóc Khách hàng của Công ty Bảo hiểm hoặc phản ánh thông qua điện thoại, email,…
  • Giải quyết với Công ty Bảo hiểm. Quá trình giải quyết cụ thể phù thuộc vào quy định của từng Công ty Bảo hiểm.
  • Giải quyết lần 2. Nếu Khách hàng không đồng ý với cách giải quyết của Công ty Bảo hiểm lần thứ 1 thì hai bên sẽ tiếp tục trao đổi để đưa ra thỏa thuận.

Trường hợp Khách hàng vẫn không đồng ý với cách giải quyết của Công ty Bảo hiểm sau lần giải quyết thứ 2 thì có thể gửi Đơn khởi kiện ra Tòa án để đòi quyền lợi của mình. Việc tranh chấp trong trường hợp này thực hiện theo thủ tục tố tụng do pháp luật quy định.

Về phía Công ty Bảo hiểm, quá trình giải quyết yêu cầu từ Khách hàng sẽ được thực hiện như sau:

  • Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu. Nhân viên bên Bảo hiểm sẽ nhận hồ sơ của Khách hàng.
  • Kiểm tra và giải quyết hồ sơ yêu cầu. Trong quá trình này, bên Bảo hiểm sẽ thực hiện các công việc:

  • Gửi thông báo bổ sung cho người mua bảo hiểm hồ sơ trong trường hợp hồ sơ thiếu.
  • Gửi thông báo bồi thường
  • Gửi hồ sơ cần xác minh
  • Trao đổi, giải quyết với Khách hàng trong trường hợp Khách hàng không đồng ý với cách giải quyết của bên Bảo hiểm.

Hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển gồm các giấy tờ sau đây:

  • Thư yêu cầu bồi thường
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm/Hợp đồng bảo hiểm
  • Vận đơn đường biển và hợp đồng thuê tàu (nếu có)
  • Hoá đơn thương mại, hoá đơn về các chi phí khác (nếu có)
  • Hoá đơn gửi hàng, kèm tờ kê chi tiết hàng hoá và/hoặc phiếu ghi trọng lượng.
  • Biên bản kết toán nhận hàng với tàu
  • Văn bản, giấy tờ liên quan tới việc đòi người thứ ba bồi thường và trả lời (nếu có)
  • Các chứng từ giao nhận hàng của Cảng hoặc của cơ quan chức năng
  • Biên bản bất thường về hàng hoá vận chuyển
  • Biên bản giám định .

Thời hạn khiếu nại bảo hiểm là hai năm kể từ ngày có tổn thất hoặc phát hiện tổn thất. Bộ hồ sơ khiếu nại phải được gửi đến bên Bảo hiểm trong thời hạn 9 tháng kể từ khi có tổn thất để bên Bảo hiểm còn thực hiện quyền truy đòi các bên có liên quan đến vụ tổn thất.

3. Khó khăn thường gặp phải trong yêu cầu bồi thường bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển

Trong quá trình yêu cầu bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, người mua bảo hiểm thường gặp phải những khó khăn sau đây:

3.1. Khó khăn trong công tác giám định tổn thất

Giám định tổn thất là một trong những công việc quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người mua Bảo hiểm. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào thì quá trình giám định tổn thất cũng diễn ra dễ dàng và chính xác. Với những hàng hóa gặp phải rủi ro trên biển trong quá trình vận chuyển thì việc xác định tổn thất khó khăn hơn rất nhiều so với những trường hợp khác. Trong khi đó, nếu không giám định được tổn thất chính xác và kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình khiếu nại bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường biển. Hệ quả là người mua bảo hiểm có thể không được bồi thường thiệt hại tương ứng với tổn thất.

3.2. Khó khăn trong chuẩn bị hồ sơ và tiến hành yêu cầu bồi thường

Việc chuẩn bị hồ sơ tưởng chừng đơn giản nhưng lại là một trong những công việc tốn nhiều công sức và thời gian trong quá trình khiếu nại bảo hiểm hàng hóa vận chuyển. Để chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ các giấy tờ cần thiết phải mất  nhiều thời gian. Trong khi đó, thời gian khiếu nại là có hạn. Không ít trường hợp không thể chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết dẫn tới quá hạn thời gian khiếu nại.

Nhiều trường hợp khác người mua bảo hiểm không biết cách ghi hồ sơ và yêu cầu bồi thường. Những thông tin không chính xác trong hồ sơ đều không được bên Bảo hiểm công nhận và trả tiền bồi thường. Do đó, quá trình yêu cầu gặp thêm nhiều khó khăn.

3.3. Tranh chấp về quyền lợi giữa các bên tham gia

Khi yêu cầu bảo hiểm hàng hóa, người mua bảo hiểm không chỉ phải tranh chấp quyền lợi với bên Công ty Bảo hiểm mà còn có trường hợp phải tranh chấp với bên thứ 3. Khi đó, những công việc cần phải giải quyết, giấy tờ phải chuẩn bị sẽ rất nhiều. Người mua bảo hiểm khó mà có thể tự mình thực hiện việc yêu cầu một cách nhanh chóng, chính xác và đảm bảo quyền lợi. Thậm chí, người mua bảo hiểm có thể bị thiệt thòi trong quá trình khiếu nại khi phải giải quyết tranh chấp với nhiều bên tham gia.

4. Dịch vụ tư vấn đòi quyền lợi bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển tại Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt

4.1. Nội dung dịch vụ

Có thể thấy quá trình yêu cầu bồi thường bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển không hề dễ dàng. Để yêu cầu bồi thường thành công, các bạn phải có kiến thức pháp luật tốt trong lĩnh vực bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa, hiểu biết về cách thức làm việc của Công ty Bảo hiểm cũng như nắm rõ thủ tục pháp luật có liên quan. Hơn nữa, nếu vụ việc liên quan tới bên thứ 3, các bạn cũng phải giải quyết tranh chấp ổn thỏa mới có thể giành được quyền lợi. Nếu phải khiếu nại tới Tòa án, các bạn cũng phải có kỹ năng phản biện để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, trong trường hợp này, các bạn nên sử dụng dịch vụ tư vấn đòi quyền lợi bảo hiểm hàng hóa vận chuyển của  Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt. Đội ngũ luật sư của chúng tôi sẽ hỗ trợ Khách hàng các công việc bao gồm:

  • Tư vấn pháp lý sơ bộ cho Khách hàng về các vấn đề khiếu nại đòi quyền lợi bảo hiểm. Khách hàng sẽ nhận sự tư vấn và trợ giúp tận tình của luật sư vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Khách hàng sẽ được hỗ trợ và hướng dẫn cách khiếu nại sao cho hiệu quả nhất.
  • Các luật sư của chúng tôi sẽ giúp tư vấn, cung cấp các văn bản pháp lý có liên quan trực tiếp đến vấn đề khiếu nại của Khách hàng.
  • Nghiên cứu hợp đồng bảo hiểm, tìm ra những điểm giúp Khách hàng giành được lợi thế.
  • Tư vấn, hướng dẫn Khách hàng cung cấp các đơn từ, biểu mẫu và hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường sao cho chính xác nhất.
  • Tư vấn, hướng dẫn Khách hàng về thủ tục khiếu nại tại Tòa án
  • Tư vấn trong trường hợp hòa giải với Công ty Bảo hiểm nhằm giúp Khách hàng ký kết những điều khoản có lợi.
  • Tư vấn về thẩm quyền và điều kiện khiếu nại bảo hiểm tại Tòa án để tránh trường hợp Khách hàng khiếu nại sai cấp.

  • Tư vấn và hỗ trợ cho Khách hàng về hình thức khiếu nại: trực tiếp hoặc gián tiếp.
  • Khi Khách hàng có nhu cầu, các luật sư của Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt có thể đại diện cho Khách hàng khi tranh tụng tại Tòa án hoặc làm việc với bên thứ 3.

Khi Khách hàng có nhu cầu khiếu nại đòi quyền lợi bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt cam kết sẽ mang lại lợi ích tốt nhất, hiệu quả cao nhất. Chúng tôi tự tin đồng hành cùng các bạn trên chặng đường đòi quyền lợi bảo hiểm.

Đội ngũ Luật sư – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TINH HOA VIỆT.

Luật sư Lưu Vũ Anh Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Vũ Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Đất đai, thừa kế.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Sơn là chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, Bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản,… Các lĩnh vực chuyên môn khác như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Luật giao thông đường bộ..

Luật sư Nguyễn Tình – Luật sư Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Là luật sư giỏi trong lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân gia đình, Doanh nghiệp, Luật sư Tình có nhiều kinh nghiệp trong hoà giải, tư vấn giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784