Hotline: 08 7939 7939
envi

Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam được quy định mới nhất

05/05/2024

Khi một cá nhân hay tổ chức quyết định thành lập doanh nghiệp thì tổ chức hoặc cá nhân đó cần lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của mình và quy định của pháp luật. Pháp luật về doanh nghiệp hiện hành quy định các loại hình doanh nghiệp bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Công ty cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh. Dưới đây là những đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.



1. Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 

Loại hình công ty TNHH được quy định tại Chương III của Luật Doanh nghiệp 2020. Loại hình doanh nghiệp này bao gồm:

a, Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên 

Theo Điều 46 của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên có các đặc điểm sau:

– Là doanh nghiệp có từ 02 – 50 thành viên là tổ chức, cá nhân.

– Thành viên trong công ty chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp của mình về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp:

+ Trừ trường hợp thành viên chưa góp hoặc góp chưa đủ số vốn đã cam kết theo quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020.

+ Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng trong các trường hợp như: yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp theo quy định tại Điều 51; chuyển nhượng theo Điều 52 hoặc thành viên bị chết, mất tích… theo Điều 53 của Luật Doanh nghiệp 2020.

– Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

– Không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

– Được phát hành trái phiếu, trong đó có trái phiếu riêng lẻ. 

b, Công ty TNHH một thành viên 

Căn cứ Điều 74 của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH một thành viên có các đặc điểm sau:

– Do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

– Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

– Được phát hành trái phiếu, trong đó có trái phiếu riêng lẻ.

* Ưu điểm và hạn chế của Công ty TNHH:

– Ưu điểm:

+ Nhiều thành viên cùng tham gia góp vốn, cùng kinh doanh;

+ Có tư cách pháp nhân;

+ Chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản theo tỷ lệ vốn góp.

– Hạn chế: Khả năng huy động vốn từ công chúng bằng hình thức đầu tư trực tiếp không có. 

2. Công ty cổ phần 

Một trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay là công ty cổ phần, cũng là loại hình tương đối phổ biến trên thực tế. Các đặc điểm chung về công ty cổ phần được quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020:

– Vốn điều lệ (được chia thành nhiều phần bằng nhau và gọi là cổ phần);

– Cổ đông có thể là tổ chức hoặc cá nhân; số lượng tối thiểu là 03 cổ đông và không giới hạn số lượng tối đa;

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác,trừ trường hợp:

– Trong 03 năm đầu thành lập, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập chỉ được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại Hội đồng cổ đông (theo khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020);

– Điều lệ quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần (theo khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020).

– ​Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

* Ưu điểm và hạn chế của Công ty cổ phần:

– Ưu điểm: 

+ Nhiều thành viên cùng tham gia góp vốn, cùng kinh doanh;

+ Có tư cách pháp nhân;

+ Chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản theo tỷ lệ vốn góp;

+ Các cổ đông sáng lập có thể mất quyền kiểm soát công ty. 

– Hạn chế: Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn; có nhiều người không quen biết nhau; có thể có sự phân hoá thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích. 

3. Công ty hợp danh 

Các quy định của công ty hợp danh được nêu tại Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể: 

– Có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty (thành viên hợp danh), cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài ra, còn có thêm thành viên góp vốn:

– Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

– Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

– Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

* Ưu điểm và hạn chế của Công ty hợp danh:

– Ưu điểm:

+ Nhiều thành viên cùng tham gia góp vốn, cùng kinh doanh;

+ Các thành viên hợp danh có thể hoạt động nhân danh công ty;

+ Công ty hoạt động dựa trên uy tín của các thành viên.

– Hạn chế: Các thành viên hợp danh có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty.

4. Doanh nghiệp tư nhân 

Trong các loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân là loại hình được nhiều người lựa chọn cho quy mô kinh doanh nhỏ. Các đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân được nêu tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

– Là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

– Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

– Mỗi người chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

* Ưu điểm và hạn chế của Doanh nghiệp tư nhân:

– Ưu điểm: Một chủ đầu tư, thuận lợi trong việc quyết định các vấn đề của doanh nghiệp

– Hạn chế: 

+ Không có tư cách pháp nhân;

+ Chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản của chủ doanh nghiệp. 

Các loại hình doanh nghiệp trên có các đặc tính khác nhau. Tuỳ thuộc vào mục đích thành lập, nguồn lực và kế hoạch phát triển, chủ sở hữu doanh nghiệp thường cân nhắc các yếu tố khác nhau để xem xét loại hình doanh nghiệp phù hợp. 

Trên đây là những quy định pháp luật hiện hành về các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý.