Tư vấn PL dân sự

Người thừa kế ở nước ngoài có thể ủy quyền làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế được không?

Người thừa kế ở nước ngoài có thể ủy quyền làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế được không?

Trong điều kiện hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, nhiều quan hệ xã hội vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, một trong những quan hệ đó là quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Các trường hợp thừa kế có yếu tố nước ngoài bao gồm: Người để lại tài sản là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Người thừa kế tài sản là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tài sản thừa kế ở nước ngoài. Theo Điều 65 Luật công chứng quy định: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật công chứng và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bất động sản, hợp đồng góp vốn bằng bất động sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản là bất động sản. Vậy người thừa kế ở nước ngoài có thể ủy quyền để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Việt Nam được không? Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời.

1. Người thừa kế ở nước ngoài có thể ủy quyền khai nhận di sản thừa kế tại Việt Nam được không?

Theo quy định tại Điều 680 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài quy định như sau: 

“1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.

Điều 58 Luật công chứng 2014 quy định về công chứng văn bản khai nhận di sản như sau: “Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản

1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản.”

Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định về việc niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản như sau: Việc thỏa thuận phân chia di sản, việc khai nhận di sản phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thi niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thi cơ quan công chứng chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế theo Điều 57 Luật công chứng 2014.

Như vậy, người thừa kế ở nước ngoài có thể lập hợp đồng ủy quyền tại Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài để ủy quyền cho người tại Việt Nam thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế ở Việt Nam. Hợp đồng ủy quyền được thực hiện bởi Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Công chứng.

2. Thủ tục khai nhận thừa kế khi người thừa kế ở nước ngoài

Trường hợp người thừa kế ở nước ngoài không có điều kiện về Việt Nam lâu dài để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì có thể lựa chọn một trong hai cách giải quyết như sau:

Cách thứ nhất:

Một trong những người đồng thừa kế đến Văn phòng công chứng để cung cấp trước một bộ hồ sơ liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế và yêu cầu công chứng về việc khai nhận di sản này. 

Người đang ở nước ngoài gửi trước bản sao có chứng thực các giấy tờ liên quan bao gồm: Giấy tờ tùy thân (hộ chiếu…), giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn,…) về nước để người thân ở Việt Nam cung cấp cho Văn phòng công chứng.

Sau khi xem xét đủ các giấy tờ hồ sơ theo yêu cầu, Văn phòng công chứng sẽ tiến hành thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật. Sau 15 ngày niêm yết tại địa phương nơi người để lại di sản thường trú, nếu không có khiếu nại, tố cáo gì thì tiến hành khai nhận di sản thừa kế.

Đến thời điểm này, người đang ở nước ngoài có thể về nước, cùng các đồng thừa kế đến Văn phòng công chứng để lập và ký văn bản khai nhận di sản thừa kế trước sự chứng kiến của công chứng viên. Công chứng viên sẽ yêu cầu các đồng thừa kế (cả người sống tại Việt Nam và người đang ở nước ngoài) xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân và giấy tờ liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế của mình.

Cách thứ hai:

Trường hợp người đang ở nước ngoài không thể về Việt Nam thì có thể ủy quyền cho người thân trong nước thay mặt mình tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế. 

Nội dung ủy quyền bao gồm: Thông tin về người ủy quyền và người được ủy quyền; căn cứ ủy quyền (là thông tin về việc thừa kế, về tài sản); và ghi rõ nội dung ủy quyền là: “Người được ủy quyền được thay mặt và nhân danh tôi tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định pháp luật”.

Việc ủy quyền này được thực hiện tại Đại sứ quán, Lãnh sự quán, … – là cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước mà người đó đang sinh sống. Hợp đồng ủy quyền này sau khi người được ủy quyền ở Việt Nam nhận được thì đem ra Văn phòng công chứng để thực hiện thủ tục khai nhận di sản. Người được ủy quyền sẽ cùng các đồng thừa kế khác tiến hành ký văn bản khai nhận di sản theo quy định pháp luật tại văn phòng công chứng.

3. Một số lưu ý đối với thừa kế có yếu tố nước ngoài

a. Chỉ được nhận thừa kế giá trị nếu di sản thừa kế là bất động sản

Trường hợp di sản thừa kế là bất động sản, cụ thể là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất và người nhận thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài không thuộc diện được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam (không phải là người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước) thì họ chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở (Theo Điều 186, Luật đất đai 2013).

b. Về thuế thu nhập phải chịu trong trường hợp chuyển nhượng đất được thừa kế

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân thị thu nhập từ nhận thừa kế là bất động sản giữa cha mẹ với con đẻ thuộc diện không phải chịu thuế. Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân, thu nhập có được do chuyển nhượng tài sản là bất động sản là thu nhập phải chịu thuế.

Tuy nhiên, đối với thu nhập có được do chuyển nhượng tài sản được hưởng thừa kế, chuyển nhượng sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân trong các trường hợp:

“Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau;

Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất”.

Do vậy, người nhận thừa kế muốn chuyển nhượng di sản thừa kế là nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất sẽ chỉ được miễn thuế thu nhập cá nhân khi mảnh đất này là tài sản duy nhất thuộc sở hữu của bạn tại Việt Nam hoặc chỉ chuyển nhượng mảnh đất đó cho những người thân thích trong gia đình (bao gồm: ông bà nội (ngoại); cha mẹ nuôi, cha mẹ chồng (vợ); anh chị em ruột).

c. Về vấn đề chuyển số tiền có được do chuyển nhượng đất được thừa kế ra nước ngoài

Trường hợp người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với đất ở tại Việt Nam khi nhận giá trị di sản thừa kế có quyền được chuyển số tiền đó ra nước ngoài theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối. Cụ thể, công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được liên hệ với Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối để làm thủ tục chuyển, mang ngoại tệ (có được do thừa kế) ra nước ngoài.

 Hồ sơ để làm thủ tục bao gồm các loại giấy tờ sau

 – Đơn xin chuyển, mang ngoại tệ (theo mẫu của Ngân hàng);

 – Bản chính hoặc bản sao công chứng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia thừa kế hoặc di chúc, văn bản thỏa thuận giữa những người thừa kế hợp pháp;

 – Văn bản ủy quyền của người thừa kế (có công chứng, chứng thực) hoặc tài liệu chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của người xin chuyển, mang ngoại tệ.

– Bản sao giấy chứng minh nhân dân (đối với trường hợp xin chuyển ngoại tệ) hoặc bản sao hộ chiếu (đối với trường hợp xin mang ngoại tệ).

Về mức ngoại tệ tiền mặt được chuyển

Theo quy định tại Quyết định số 921 ngày 27/6/2005 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì cá nhân trực tiếp mang tiền mặt khi xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam chỉ được phép mang theo người lượng ngoại tệ tiền mặt (bao gồm tiền giấy, tiền kim loại, séc du lịch) ở mức 7.000 USD; trường hợp vượt quá mức quy định trên thì phải khai báo hải quan cửa khẩu và xin giấy phép của Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối.
Trong trường hợp được phép mang, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được chuyển, mang mỗi năm tối đa không quá 10.000 USD hoặc 20% số tiền nếu tổng số tiền được thừa kế lớn hơn 50.000 USD.

Trường hợp số tiền xin chuyển, mang lớn hơn 50.000 USD, Công dân Việt Nam phải xuất trình giấy tờ chứng minh thực có số tiền xin chuyển cho mục đích thừa kế.

Số tiền còn lại (bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ), công dân Việt Nam được gửi vào Ngân hàng để chuyển dần (bao gồm gốc và lãi phát sinh) trong các năm tiếp theo, theo phương thức Lệnh chuyển tiền định kỳ đã được thỏa thuận giữa Ngân hàng và người có yêu cầu chuyển ngoại tệ nhưng mỗi năm tối đa không quá mức quy định trên.

Trường hợp gửi vào Ngân hàng bằng đồng Việt Nam, công dân Việt Nam được mua ngoại tệ theo tỷ giá bán ngoại tệ của Ngân hàng được phép tại thời điểm chuyển ngoại tệ theo thỏa thuận giữa ngân hàng và người có yêu cầu chuyển ngoại tệ trong Lệnh chuyển tiền định kỳ.

Trên đây là quan điểm của Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt về việc uỷ quyền khai nhận di sản thừa kế đối với những trường hợp ở nước ngoài. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thủ tục pháp lý.

Đội ngũ Luật sư – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TINH HOA VIỆT.

Luật sư Lưu Vũ Anh Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Vũ Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Đất đai, thừa kế.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Sơn là chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, Bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản,… Các lĩnh vực chuyên môn khác như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Luật giao thông đường bộ..

Luật sư Nguyễn Tình – Luật sư Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Là luật sư giỏi trong lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân gia đình, Doanh nghiệp, Luật sư Tình có nhiều kinh nghiệp trong hoà giải, tư vấn giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784