Luật dân sự

Người thừa kế có được từ chối nhận di sản thừa kế không? Phần di sản bị từ chối thừa kế được phân chia như thế nào?

Người thừa kế có được từ chối nhận di sản thừa kế không? Phần di sản bị từ chối thừa kế được phân chia như thế nào?

Thừa kế luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của phần đông người dân bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Di sản thừa kế là phần tài sản đã được người mất định đoạt chia lại cho một ai đó theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, việc để lại di sản thừa kế cho một người được coi là hành vi pháp lý đơn phương nên người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế đối với phần di sản mà mình được nhận. Để làm rõ các quy định của pháp xoay quanh vấn đề này, Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt với sứ mệnh đem lại công bằng, phổ biến pháp luật đến người dân, bằng kinh nghiệm lâu năm xin được tư vấn như sau:

1. Người thừa kế có được từ chối nhận di sản thừa kế không?
a. Quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế

Theo khoản 1 Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”. 

Pháp luật về thừa kế luôn tôn trọng ý chí tự do của người thừa kế trong việc nhận di sản thừa kế của người mất để lại. Pháp luật không bắt buộc người hưởng di sản phải nhận di sản thừa kế nếu bản thân họ không muốn nhận phần di sản đó. Do đó, người thừa kế có quyền từ chối nhận thừa kế đối với phần di sản mà mình được hưởng.

Tuy nhiên, pháp luật quy định việc từ chối nhận di sản phải đáp ứng điều kiện không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Bởi thực tế nhiều người từ chối nhận di sản để trốn tránh việc phải thực hiện một số nghĩa vụ như: trả nợ, bồi thường thiệt hại, trả tiền công lao động, tiền thù lao trong hợp đồng dịch vụ… Trong trường hợp này, pháp luật buộc họ phải thực nhận di sản thừa kế để thực hiện các nghĩa vụ tài sản với người mang quyền.
b. Trường hợp nào mà việc từ chối nhận di sản thừa kế không có hiệu lực pháp luật?

Theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc từ chối nhận di sản:

“Điều 620. Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

Từ quy định trên, có thể thấy việc từ chối nhận di sản sẽ không có hiệu lực pháp luật nếu:

– Việc từ chối nhận di sản thừa kế để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

– Việc từ chối nhận di sản không được lập thành văn bản.

Nếu việc từ chối nhận di sản không có hiệu lực pháp luật thì người thừa kế vận phải tham gia thỏa thuận phân chia di sản.
c. Thời điểm từ chối nhận di sản thừa kế

Khoản 3 Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 nêu rõ một người chỉ được từ chối nhận di sản trước thời điểm phân chia di sản thừa kế. Bộ luật dân sự 2015 đã bãi bỏ quy định thời hạn 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế tại Bộ luật dân sự 2005. 

Hành vi từ chối nhận di sản có ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thừa kế khác hay chủ thể khác có liên quan (như chủ nợ…) nên không thể tùy tiện trong việc từ chối nhận di sản, thay đổi ý chí lúc nào cũng được. Bộ luật dân sự 2015 vẫn tiếp tục duy trì quy định thời hạn để từ chối nhận di sản nhưng đã khắc phục được nhược điểm về mặt thời gian được cho là quá ngắn của Bộ luật dân sự 2005. Tuy nhiên, quy định về thời hạn từ chối nhận di sản trong BLDS 2015 sẽ không áp dụng được đối với trường hợp chỉ có một người thừa kế bởi sẽ không có “thời điểm chia di sản” nên thời hạn từ chối nhận di sản trong trường hợp này có thể là không có thời hạn. 

2. Trình tự, thủ tục thực hiện từ chối nhận di sản thừa kế

Khoản 2 Điều 620 BLDS 2015 quy định thủ tục từ chối nhận di sản là: “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết”. Như vậy, việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được thể hiện dưới dạng văn bản và văn bản từ chối nhận di sản không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, người từ chối nhận di sản hoàn toàn có quyền yêu cầu công chứng văn bản này để đảm bảo chắc chắn giá trị pháp lý cho văn bản. Người có nguyện vọng từ chối nhận di sản thừa kế được lựa chọn việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã bất kỳ, cụ thể như sau:
a. Thẩm quyền công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản

Theo Điều 59 Luật Công chứng 2014 quy định: “Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.”

Bên cạnh đó, Điều 42 Luật Công chứng 2014 cũng có quy định: “Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”

Như vậy, việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản có thể được thực hiện tại bất kỳ phòng công chứng, văn phòng công chứng nào.

Theo điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, UBND xã/phường/thị trấn có trách nhiệm chứng thực văn bản từ chối nhận di sản.

Đồng thời khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng quy định việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.

b. Trình tự, thủ tục thực hiện từ chối nhận di sản

Người thừa kế có nguyện vọng từ chối nhận di sản thừa kế thực hiện theo trình tự dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ từ chối nhận di sản thừa kế

Người từ chối nhận di sản thừa kế chuẩn bị các giấy tờ sau đây:

– Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có cam kết việc từ chối nhận di sản thừa kế không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản (dự thảo);

– Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân (bản sao có chứng thực);

– Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);

– Di chúc (bản sao có chứng thực) trong trường hợp thừa kế theo di chúc giặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật;

– Giấy chứng tử của người để lại di sản (bản sao chứng thực);

– Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyển sử dụng (bản sao có chứng thực) hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản (bản sao có chứng thực).

Bước 2: Người từ chối nhận di sản tiến hành công chứng văn bản tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã.

Bước 3: Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã.

3. Phần di sản bị từ chối thừa kế sẽ được phân chia như thế nào?

Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 650 BLDS 2015, phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ từ chối nhận di sản thì di sản bị từ chối này sẽ được chia đều cho những người thừa kế theo pháp luật nếu họ chấp nhận di sản.

Nếu người thừa kế theo pháp luật từ chối nhận di sản thừa kế thì phần di sản bị từ chối được chia theo pháp luật cho những người thừa kế theo pháp luật còn lại. Bộ luật dân sự 2015 không quy định trường hợp cá nhân đã từ chối nhận di sản theo di chúc thì không được hưởng di sản theo pháp luật. Do đó, nếu người thừa kế vì một lý do nào đó mà từ chối nhận di sản theo di chúc thì họ vẫn có quyền được thừa kế theo pháp luật đối với di sản đã từ chối đó (trường hợp người thừa kế theo di chúc cũng là một trong những người được thừa kế theo pháp luật).

Điều 622 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản không có người nhận thừa kế như sau: “Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”. 

Như vậy, trường hợp người thừa kế duy nhất từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản sẽ thuộc về Nhà nước theo các quy định nêu trên.

Tóm lại, có thể thấy khi nhắc đến thừa kế là nhắc đến hai vấn đề bao gồm: quyền của người để lại di sản và quyền của những người thừa kế. Không phải người chết cứ định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết thì những người còn sống phải tuân thủ như vậy mà họ vẫn có quyền từ chối nhận di sản được pháp luật công nhận và bảo đảm. Tất nhiên, việc từ chối này phải thỏa mãn các điều kiện mà pháp luật quy định thì mới có giá trị. Ngoài ra, việc từ chối di sản này chỉ gồm di sản được đề cập tới rõ ràng trong văn bản từ chối. Còn những di sản khác không được đề cập đến trong văn bản từ chối thì họ vẫn có quyền hưởng, nếu họ vẫn thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc.

Trên đây là quan điểm của Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ.

Đội ngũ Luật sư – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TINH HOA VIỆT.

Luật sư Lưu Vũ Anh Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Vũ Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Đất đai, thừa kế.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Luật sư Sơn là chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, Bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản,… Các lĩnh vực chuyên môn khác như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Luật giao thông đường bộ..

Luật sư Nguyễn Tình – Luật sư Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt.

Là luật sư giỏi trong lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân gia đình, Doanh nghiệp, Luật sư Tình có nhiều kinh nghiệp trong hoà giải, tư vấn giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784