Luật hình sự Tin tức

Lừa đảo qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đâu là lỗ hổng?

Quá trình điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tân Hoàng Minh, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi của các bị can, phát hiện hàng loạt “lỗ hổng” trong quản lý, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Quả bom trái phiếu Vạn Thịnh Phát

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), tại buổi họp báo của Bộ Công an chiều 02/10/2023, cho biết: kết quả điều tra đến nay xác định, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo hơn 30.000 tỉ của 42.000 nhà đầu tư thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu.
Kết quả điều tra xác định: Từ năm 2018 đến năm 2020, các nghi phạm có liên quan tại CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư Quang Thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại TP.HCM (Setra), CTCP Đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã thực hiện các hành vi gian dối, vi phạm quy định pháp luật để tạo ra 25 gói trái phiếu.
Các mã trái phiếu bao gồm ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng  được bán cho người mua (các trái chủ) nhằm mục đích huy động tiền và chiếm đoạt.
Trong số đó, 3 mã trái phiếu ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01 do CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông có phát hành có số bị hại lớn nhất.
Bằng chứng là: Vào hồi tháng 10/2022, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt có một báo cáo thể hiện việc 3 mã trái phiếu CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông đã có khoảng 40.000 khách hàng mua qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bao gồm 17.400 người sở hữu trái phiếu ADC.2018.09, hơn 5.000 người mua lô ADC.2018.09-01 và hơn 15.500 người mua lô ADC.2019.01.
Ba mã trái phiếu này đã được CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông phát hành năm 2018 và năm 2019, thu về gần 25.000 tỷ đồng.
Đây cũng là trái phiếu có rủi ro cao nhất khi không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo. Khi tới hạn, công ty không thanh toán tiền lãi với lý do nguồn tiền theo phương án kinh doanh phát hành trái phiếu gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường bất động sản; nguồn tiền thu từ hoạt động kinh doanh thông thường hiện chưa bù đắp đủ cho khả năng trả lãi định kỳ…
Còn 20 mã trái phiếu số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 do Setra phát hành trong ngày 31/8/2020, đáo hạn ngày 31/8/2025 có tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng và đều có lãi suất là 11%/năm, kỳ lãi 6 tháng/lần.
Sau đó, Setra gửi văn bản đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo đã chậm lãi cho hai kỳ thanh toán đối với 20 mã trái phiếu này. Tổng số tiền lãi cùng với phạt lãi đã lên đến hơn 222 tỷ đồng. Lý do được Setra đưa ra là do tổ chức phát hành chưa thu xếp được nguồn thanh toán.
Vụ việc trên có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của những trái chủ, do đó, căn cứ kết quả điều tra, ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đồng thời, để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, ngày 30/9/2023, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm (C03) đã phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên và đề nghị phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Phòng chống lừa đảo thông qua hoạt động phát hành Trái phiếu doanh nghiệp

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và nhóm đồng phạm có hành vi chiếm đoạt hàng chục ngàn tỷ đồng của nhiều nhà đầu tư thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Cơ quan này cũng đề nghị truy tố 15 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó có ông Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh.

Trong quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện nhiều hành vi vi phạm của các cơ quan, tổ chức liên quan và kiến nghị nhiều nội dung nhằm ngăn chặn các lỗ hổng trong quá trình phát hành TPDN.

Cụ thể, kiến nghị Bộ Tài chính xử lý nghiêm về hành chính đối với Công ty Kiểm toán Nam Việt – Chi nhánh phía Bắc; Công ty Thẩm định giá Ecomax; Công ty Định giá VAA; Công ty CPA Hà Nội; Công ty Thẩm định giá Thành Đô và một số kiểm toán viên, thẩm định viên có sai phạm (đình chỉ kinh doanh; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thẩm định giá; thu hồi chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên, thẩm định viên…).

Đồng thời, kiến nghị có biện pháp quản lý chứng chỉ hành nghề, đăng ký con dấu pháp nhân, chữ ký kiểm toán viên, thẩm định viên để phòng ngừa các đơn vị, cá nhân lợi dụng chứng chỉ, chức danh nghề thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm của các gói TPDN riêng lẻ; giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu, không để lợi dụng chuyển tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu không đúng mục đích phát hành; quy định trách nhiệm của các ngân hàng khi cung cấp các dịch vụ liên quan phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật liên quan tới quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền; quy định báo cáo về dòng tiền thanh toán qua tài khoản trái phiếu; giám sát dòng tiền; gắn trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc báo cáo các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ liên quan đến phát hành TPDN.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784