Luật dân sự Tin tức Tư vấn PL dân sự

Trái phiếu doanh nghiệp, mua hay không mua?

Trong bối cảnh của lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt ở mức thấp 4%-5%/năm, trái phiếu doanh nghiệp đang trở lại là một kênh đầu tư tiềm năng nhưng đi kèm với đó là những rủi ro có thể khiến nhà đầu tư thiệt hại lớn

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh đầu tư tiềm năng

Năm 2021 và đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua nhiều biến động. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bị ảnh hưởng nhiều tổ chức đã phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 13%-14%/năm trước đây, song kinh doanh thua lỗ dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Trước những khó khăn đó, hàng loạt động thái hỗ trợ từ Chính phủ đã được ban hành nhằm khơi thông dòng vốn cho thị trường trái phiếu, trong đó phải kể đến quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Sau đó là Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch TPDN tại Nghị định 153 kéo dài đến hết năm nay.

Cùng với đó, việc xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo chỉ đạo của Thủ tướng phần nào giúp tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Đồng thời giúp các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả từ thị trường trái phiếu này, giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, với xu hướng lãi suất tiền gửi đang lùi về mức rất thấp chỉ 4%-5%/năm, đầu tư trái phiếu cũng đảm bảo có lợi nhuận tốt hơn so với kênh tiết kiệm.

Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn hiện nay sẽ không còn dễ dàng như thời điểm trước 2021. Nhà đầu tư phải cân nhắc, chọn lọc kỹ càng các tổ chức phát hành minh bạch, chiến lược kinh doanh ổn định, thậm chí lựa chọn tổ chức phân phối uy tín cao trên thị trường.

Những rủi ro và cách phòng tránh rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong những năm gần đây góp phần cung cấp thêm một công cụ, sản phẩm đầu tư mới ngoài các kênh đầu tư như mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp, gửi tiền ngân hàng. Các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN ngày càng nhiều. Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy một số nhóm nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất cao mà không đánh giá các rủi ro khi mua trái phiếu hoặc không hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, của doanh nghiệp, của tổ chức phân phối trái phiếu (bao gồm cả các ngân hàng thương mại).

Kể từ sau các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, doanh nghiệp mua lại khối lượng trái phiếu trước hạn lớn.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ lợi ích hợp pháp và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) ngày 05/03/2023 sửa đổi các Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải nắm giữ danh mục chứng khoán trị giá 02 tỷ đồng trong vòng 6 tháng tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Theo Bộ Tài chính, việc tạm ngưng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu lại nợ và đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh có thể tiếp tục phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và quan trọng hơn nữa là nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cần xác định đây không phải sản phẩm tiết kiệm, nên mức độ an toàn sẽ phụ thuộc vào lãi suất, lãi suất càng cao thì rủi ro càng cao.

Một rủi ro mà tất cả các trái chủ cần quan tâm là rủi ro tín dụng. Đây là rủi ro cốt lõi khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như FiinRatings xét tới khi đánh giá tổ chức phát hành. Nhà đầu tư cần tìm hiểu về lịch sử kinh doanh, lịch sử phát triển cũng như các yếu tố rủi ro tài chính của doanh nghiệp diễn ra trong quá khứ, những thông tin liên quan tới khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp trong quá khứ như thế nào. Mặc dù nó không phải câu trả lời cho hành động của tổ chức phát hành trong tương lai, nhưng nó nói lên hành vi trong quá khứ cũng như hiện tại.

Ngoài rủi ro về tín dụng, rủi ro thứ hai là về thanh khoản. Đây là một trong những rủi ro mà nhà đầu tư phải hiểu rất rõ và trao đổi với các tổ chức phân phối, trong trường hợp có nhu cầu chuyển nhượng thì làm cách nào.

Thứ ba là rủi ro định giá lãi suất. Trong một số trường hợp, lãi suất nhận được không tương xứng với rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải, do không nắm rõ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp; hoặc là lãi suất cao nhưng chưa hiểu rõ rủi ro có thể gặp phải trong quá trình nắm giữ trái phiếu và các nhóm rủi ro khác.

Đặc biệt, nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784