Luật giao thông Luật hình sự

Vấn nạn đua xe trái phép, đâu là giải pháp?

Giải pháp nào cho nạn đua xe trái phép dù đã được điều chỉnh bởi Bộ luật Hình sự nhưng trên thực tế vẫn diễn ra và chưa có dấu hiệu thuyên giảm?

Suốt nhiều năm gần đây, nạn đua xe đã và đang bùng phát vô cùng mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đây là một vấn nạn khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc nhưng lại tồn tại dai dẳng và chưa có biện pháp xử lý triệt để, dứt điểm.
Các “quái xế” thường tụ tập rất đông, chạy xe nẹt pô, dàn hàng ngang, đua xe, bốc đầu,… gây mất an ninh trật tự khu vực, thậm chí đã có rất nhiều những vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Rạng sáng ngày 15/10, nhận tin hàng trăm thanh thiếu niên đang có biểu hiện đua xe trái phép trên Quốc lộ 1 di chuyển từ Thành phố Biên Hòa về Thành phố Long Khánh, Trạm CSGT Suối Tre phối hợp Tổ 161 Công an huyện Thống Nhất lên kế hoạch vây bắt. Khi đoàn “quái xế” kéo đến khu vực trung tâm Dầu Giây, tụ tập dọc hai bên đường thì gần trăm cảnh sát bất ngờ bao vây. Hàng loạt thanh niên phóng lên xe, chạy tán loạn về hướng Thành phố Biên Hòa và xông vào các con hẻm nhỏ lẩn trốn.

Cảnh sát chia làm nhiều hướng chặn bắt, khống chế hàng chục người và hơn 30 xe máy vi phạm. Lực lượng chức năng đã lập biên bản những người vi phạm về các lỗi: tụ tập để cổ vũ đua xe trái phép, xe thay đổi kết cấu, không có gương chiếu hậu, không có giấy phép lái xe, không có giấy chứng nhận đăng ký xe… Ngoài ra còn có rất nhiều những vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn cả nước.

Tội đua xe trái phép trong Bộ luật Hình sự
Đua xe trái phép là hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao, vì thế pháp luật quy định chế tài cụ thể đối với hành vi này. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã quy định cụ thể về hành vi này như sau:
“Điều 266. Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
e) Tham gia cá cược;
g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
h) Tại nơi tập trung đông dân cư;
i) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Về định nghĩa, đua xe trái phép là hành vi của hai hoặc nhiều người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe khác có gắn động cơ chạy thi trên đường bộ nhằm đuổi kịp hoặc vượt người cùng đua.
Các yếu tố cấu thành tội đua xe trái phép
1.Khách thể của tội phạm
-Tội phạm xâm phạm về các qui định của nhà nước về an toàn giao thông đường bộ.
-Hành vi đua xe trái phép còn đe dọa xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và an toàn, trật tự nơi công cộng.
2.Mặt khách quan của tội phạm
-Tội phạm thể hiện ở hành vi đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Việc đua xe này trái phép tức là không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Hành vi thể hiện ở việc điều khiển các phương tiện giao thông là ô tô, xe máy, các phương tiện có gắn động cơ khác chạy tốc độ cao trên một quãng đường nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường hành vi đua xe thường xảy ra ở những đường phố lớn, trên các đường quốc lộ, tỉnh lộ và thường xảy ra vào những dịp lễ lớn hoặc khi có các sự kiện về thể thao, văn hóa,v.v…
-Điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự là khi có một trong 2 tình tiết sau:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
+ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm)
+ Người có hành vi đua xe trái phép cũng có thể đồng thời là người có hành vi tổ chức đua xe trái phép, trong trường hợp này họ phải chịu trách nhiệm về cả hai tội là tổ chức đua xe trái phép và tội đua xe trái phép.
3.Mặt chủ quan của tội phạm
-Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.
4.Chủ thể của tội phạm
-Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo luật định.
Giải pháp nào để xử lý triệt để nạn đua xe trái phép?
Dù đã được điều chỉnh bởi Bộ luật Hình sự nhưng trên thực tế hành vi này vẫn diễn ra rất phổ biến và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Phần lớn các đối tượng tham gia đua xe khi bị bắt thường bị xử lý hành chính bởi các lỗi như thay đổi kết cấu xe, chạy quá tốc độ quy định, gây rối thật tự công cộng,… và mức phạt dao động khoảng 10 triệu.
Là một hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm cao cho xã hội, nhưng các hình phạt được quy định đối với tội đua xe trái phép được đánh giá hiện vẫn còn nhẹ và chưa thực sự có tính răn đe, đặc biệt đối với giới trẻ. Xử lý nạn đua xe cần phải trị tận gốc, phải có những biện pháp cụ thể, nhất quán, triệt để nhằm “phòng chống” tệ nạn này lộng hành. Một số biện pháp đã và đang được áp dụng gồm:
-Lực lượng công an thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xử lý, ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng,… gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông
-Tổ chức tuyên truyền, tạo dư luận xã hội để lên án các hành vi vi phạm, lợi dụng mạng xã hội kêu gọi, lôi kéo tham gia độ, chế xe, điều khiển xe lạng lách, đánh võng,…
-Tổ chức các buổi thăm quan các các phòng cấp cứu của bệnh viện sẽ thấy sự khốc liệt từ hậu quả của việc điều khiển xe vi phạm luật giao thông, cảm nhận nổi đau và mất mát của gia đình và xã hội.
-Tổ chức họp kiểm điểm các đối tượng vi phạm giao thông tại địa phương nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho thanh thiếu niên
-(Bổ sung và nâng cao các hình thức xử lý như: tăng mức phạt hành chính, tịch thu phương tiện, tăng hình phạt đối với các trường hợp xử lý hình sự)
-…
Giống như các quan điểm phòng ngừa tội phạm của chuyên ngành Tội phạm học, để giải quyết triệt để hành vi phạm tội, việc đi từ bên trong, từ cốt lõi nguyên nhân của tội phạm là điều quan trọng nhất. Yếu tố giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với trường hợp này có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc xử lý nạn “quái xế”.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784