Luật dân sự

Ngân hàng có sai khi nhận tài sản thế chấp đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Tài sản đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có được đem đi thế chấp ngân hàng hay không?

Một số thông tin về vụ việc: Ngày 16/4/2010, gia đình bà Trần T.K.N (1959) và ông Nguyễn Đ.H. (1957) vay của Ngân hàng MHB số tiền 1.000.000.0000 đồng thời hạn 12 tháng, tài sản thế chấp là căn nhà ở phố Duy Tân, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Bà N cho ông H.N vay số tiền lần thứ nhất là 1.050.000.000 đồng; lần thứ hai là 1.300.000.000 đồng, tổng là 2.350.000.000 đồng. Bà N có vay thêm của ông Huỳnh V.T. số tiền 415.000.000 đồng; vay bà Nguyễn T.K.T số tiền 150.000.000 đồng; vay bà Hoàng T.Q. số tiền 135.000.000 đồng. Do bà N không đủ điều kiện trả nợ cho ông Huỳnh V.T, bà Nguyễn T.K.T và bà Hoàng T.Q nên 3 ông, bà này đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

  • Ông Huỳnh V.T khởi kiện yêu cầu Tòa án Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) đối với tài sản là căn nhà số xxxDuy Tân của gia đình bà N.  Ngày 25/1/2011 TAND thành phố Pleiku đã ra quyết định số 36/2011/QĐ-BPKCTT về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” đối với nhà và đất tại số xxx Duy Tân, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai của ông bà H, N. Ngày 08/7/2011 Tòa án đã ra bản án sơ thẩm số 75/2011/QĐST-DS quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Ngày 18/5/2012, Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Pleiku đã ra văn bản số 100/THA thông báo về việc ông Huỳnh V.T và bà N đã thỏa thuận với nhau về việc thi hành án nên vợ chồng ông bà H, N được quyền thực hiện giao dịch dân sự là thế chấp tài sản đối với nhà và quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại xxx Duy Tân; và quyết định số 64/QĐ-CCTHA về việc Đình chỉ thi hành án.
  • Bà Nguyễn T.K.T khởi kiện yêu cầu Tòa án Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản của ông bà H, N. Ngày 08/7/2011 TAND thành phố Pleiku ra quyết định số 68/2011/QĐ-BPKCTT về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” đối với cùng tài sản trên. Tới ngày 07/6/2016, TAND thành phố Pleiku ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 68/2011/QĐ-BPKCTT với lý do là nguyên đơn bà Nguyễn T.K.T yêu cầu.
  • Bà Hoàng T.Q đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Ngày 14/01/2013, Tòa án nhân dân thành phố Pleiku ra bản án số 02/2013/DS-ST buộc bà N phải trả cho bà Q số tiền 135 triệu đồng.

Ngày 16/4/2011, sau khi khoản vay tại ngân hàng MHB đến hạn nhưng bà N không đủ điều kiện gia hạn thêm với lí do mà MHB đưa ra là tài sản bảo đảm đang bị ADBPKCTT, nên ngày 23/5/2012 bà N đã làm thủ tục vay 1.200.000.000 đồng tại Ngân hàng Agribank thời hạn 12 tháng để trả nợ cho ngân hàng MHB và trả bớt nợ cho ông Tứ (100 triệu đồng), bà Trang (75 triệu đồng). Để đảm bảo khoản vay này ông H bà N đã tiếp tục sử dụng tài sản là căn nhà xxx Duy Tân để thế chấp. Tới ngày 23/5/2013 khoản vay đến hạn nhưng được kéo dài thời gian đến ngày 29/9/2014 và tiếp tục ký hợp đồng tín dụng thứ hai thời hạn từ ngày 30/9/2014 đến 30/9/2015 thời hạn 12 tháng.

Do bà N không đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng Agribank nên Ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Ngày 09/01/2017, TAND thành phố Pleiku đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm công khai, buộc bà N, ông H phải thực hiện nghĩa vụ liên đới trả cho Ngân hàng Agribank số tiền 1.200.000.000 đồng và tiền nợ lãi tính đến hết ngày 05/01/2017 là 353.500.000 đồng. Ngày 21/4/2017, TAND tỉnh Gia Lai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm công khai vụ án trên, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm đã ban hành ngày 09/01/2017.

Vậy, tại thời điểm bà N làm thủ tục vay tiền tại ngân hàng Agribank, tài sản là nhà và QSDĐ tại xxx Duy Tân của bà vẫn đang bị ADBPKCTT bởi Quyết định số 68/2011/QĐ-BPKCTT của TAND thành phố Pleiku. Tuy nhiên Tòa án không xét đến yếu tố này khi đưa vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại trên ra xét xử.

Một số vấn đề pháp lý cần làm rõ

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định:

Điều 94. Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay

  1. Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng.
  2. Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng.”

Ngoài ra, theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2005:

Điều 351. Quyền của bên nhận thế chấp tài sản

Bên nhận thế chấp tài sản có các quyền sau đây:

  1. Yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 349 của Bộ luật này phải chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp, nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó;
  2. Được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp;
  3. Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp;”

Như vậy, Ngân hàng có quyền và trách nhiệm trong việc xét duyệt, thẩm định đối với khoản vay để xác định biện pháp bảo đảm tiền vay có phù hợp hay không trước khi quyết định cấp tín dụng. Trường hợp này, tài sản của bà N đang thuộc một trong số những trường hợp không được thế chấp tại ngân hàng theo quy định khoản 7.5 Điều 7 Quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn Ngân hàng (Ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ-NH1 ngày 17 tháng 8 năm 1996 của Thống đốc NHNN):

Điều 7. Tài sản không nhận thế chấp, cầm cố:

7.5. Tài sản đang bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ, niêm phong, phong toả, tài sản đang làm thủ tục giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp.”

Từ đó có thể khẳng định, khi tài sản là nhà và QSDĐ tại xxx Duy Tân của gia đình ông H bà N bị phong tỏa bởi quyết định ADBPKCTT thì tài sản này sẽ không được nhận thế chấp, cầm cố tại Ngân hàng. Việc ngân hàng Agribank vẫn chấp nhận thế chấp tài sản này cho khoản vay 1.200.000.000 là trái với quy định của Quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn Ngân hàng (Ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ-NH1 ngày 17 tháng 8 năm 1996 của Thống đốc NHNN).

Vậy khi xảy ra tranh chấp, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi tài sản thế chấp đang bị phong tỏa bởi quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời? Liệu Ngân hàng có phải chịu một phần trách nhiệm vì không thẩm định, kiểm tra tài sản thế chấp tại ngân hàng một cách đầy đủ, chính xác? Và khi ngân hàng vi phạm quy chế Quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn Ngân hàng thì có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không? Đây vẫn còn là vấn đề bị bỏ ngỏ chưa có lời giải đáp.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784