Tin tức

Vụ việc em bé sơ sinh có nguy cơ sống thực vật sau sự cố y khoa

Ngày 15/11, Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt đã chính thức tham gia và bảo vệ quyền lợi cho trường hợp cháu bé sơ sinh có nguy cơ sống thực vật sau sự cố y khoa.

Theo anh Nguyễn Văn H – bố cháu bé (ngụ TT.Đồng Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh), vợ chồng anh kết hôn vào năm 2021 và ít tháng sau, vợ anh, chị Trần Thị N mang thai con đầu lòng. Toàn bộ kết quả xét nghiệm, siêu âm trong quá trình chị N mang thai đều được bác sĩ kết luận có chỉ số bình thường.

Đến sáng 20/3, chị N có dấu hiệu chuyển dạ nên được gia đình đưa vào nhập viện tại Khoa điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để theo dõi chờ sinh. “Các bác sĩ đã chỉ định cho vợ tôi đi siêu âm để kiểm tra và kết quả là thai thuận, không có gì bất thường. Sau đó, vợ tôi được các bác sĩ cho vào phòng chờ để tiếp tục theo dõi chờ sinh. Một lúc sau, vợ tôi vỡ ối”, anh H kể lại.

Theo anh H, từ khoảng 9 giờ đến gần 21 giờ ngày 20/3, vợ anh tiếp tục xuất hiện nhiều cơn đau bụng từ nhẹ đến dữ dội. Trong thời gian sản phụ N lên cơn đau chuyển dạ, anh H đều chạy đi yêu cầu các bác sĩ trực ca đến kiểm tra nhưng được trả lời “cứ về phòng chờ đi”. Thấy sản phụ N sắp không chịu đựng được cơn đau, gia đình đã yêu cầu kíp trực cho mổ đẻ nhưng đã bị khước từ vì cho rằng sinh thường được.

“Đến 21 giờ thì vợ tôi được đưa lên bàn sinh thường với kíp trực đỡ đẻ gồm 3 y bác sĩ nữ. Khoảng 2 tiếng sau con tôi mới ra khỏi bụng mẹ nhưng người nhà tôi nhìn thấy bé bị tím tái, không khóc, không cử động giống kiểu bị ngạt ối. Sau đó tôi thấy hai nữ hộ sinh cho con tôi thở ô xy và chuyển về Khoa Nhi của bệnh viện để thở máy. Đến ngày hôm sau, bác sĩ cho biết con tôi bị tổn thương não rất nặng, phải chuyển lên tuyến trên”, anh H đau đớn kể lại.

Ngày 22/3, anh H đưa con ra Bệnh viện Nhi T.Ư nhập viện và được các bác sĩ kết luận cháu bé bị tổn thương não rất nặng sau sinh, là trường hợp không có thuốc điều trị vì bệnh lý này không do viêm nhiễm hay bị bẩm sinh. Bác sĩ cho vợ chồng anh H biết nếu não của cháu bé phục hồi chậm thì khả năng phải sống cuộc đời thực vật.

Anh H cho rằng nguyên nhân là các y bác sỹ đã không kịp thời đỡ đẻ và theo dõi tình trạng cho chị N theo đúng quy trình chuyên môn dù đã vỡ ối và gia đình yêu cầu mổ đẻ nhưng không làm theo.

Hiện tại, cháu bé đã được cho về nhà điều trị nhưng cháu cứ liên tục co giật vì lên cơn động kinh. Mỗi tháng vợ chồng anh H phải đưa cháu ra lại Hà Nội khám định kỳ với chi phí rất tốn kém.

Do bức xúc, anh H đã làm đơn khiếu nại, yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh truy trách nhiệm của kíp trực và gửi đơn tố cáo sự việc tới cơ quan chức năng. Sau đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có văn bản trả lời Đơn khiếu nại của anh H. Phía bệnh viện khẳng định kíp trực đỡ đẻ cho sản phụ N đã làm tròn nhiệm vụ, đúng với chuyên môn. Cháu bé sinh ra bị ngạt do dây rau thắt 1 nút là diễn biến bất khả kháng, nằm ngoài khả năng tiên lượng và xử trí.

Do không đồng tình với Thông báo kết luận của Hội đồng Chuyên môn Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh nên anh H tiếp tục làm đơn đề nghị Bộ Y tế thành lập Hội đồng Chuyên môn để kết luận có hay không có sai sót chuyên môn của kíp trực đêm ngày 20/3/2022 tại bộ phận sản, khoa điều trị yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình theo dõi diễn biến chờ sinh của chị N.

Ngày 27/10/2023, Bộ Y tế ra Thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế số 6990/BYT-BMTE. Tuy nhiên, gia đình anh H nhận thấy có một số điểm mâu thuẫn trong Thông báo kết luận số 6990/BYT-BMTE như sau:

Tại mục 2. Về tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, kết luận khẳng định: “Các nhân viên y tế trong kíp trực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện đầy đủ các quy định về tiếp nhận, thăm khám, theo dõi, điều trị, xử trí đối với người bệnh…”

Nhưng tại mục 3. có nội dung “ Việc ghi chép hồ sơ bệnh án được các nhân viên y tế thực hiện tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn một số điểm chưa ghi chép đầy đủ các thông tin về quá trình thăm khám, theo dõi, chăm sóc và tư vấn cho người bệnh.”

Gia đình anh H cho rằng, quy trình xử trí ối vỡ sớm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có những điểm chưa thoả đáng, cụ thể việc chấm dứt thai kỳ đối với vỡ ối sớm đã kéo dài thời gian khoảng 9h đến 23h tức mất 14 tiếng, đã vượt mốc thời gian giới hạn tối đa theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Sản phụ khoa” của Bộ Y tế cho ối vỡ sớm dù sinh thường hay mổ. Việc kéo dài thời gian chấm dứt thai kỳ có thể sẽ là một nguyên nhân gây biến chứng thai sản.

Đồng thời, theo gia đình anh H, sản phụ – chị Trần Thị N chỉ được đo monitoring một lần duy nhất trước khi vỡ ối. Sau khi ối vỡ không được theo dõi liên tục nhịp tim thai bằng monitoring. Kết quả cận lâm sàng là băng giấy ghi của máy đã nhiều lần đề nghị nhưng Bệnh viện không cung cấp được. Như vậy, việc theo dõi liên tục nhịp tim thai bằng monitoring đã không có bằng chứng chỉ định và thực hiện.

Sự việc đau xót xảy đến với gia đình anh H, chị N cũng là lời cảnh báo với các gia đình đang sắp sinh con cần đề phòng phần nào nguy cơ về những “sự cố y khoa” có thể xảy ra. Mỗi ca sinh là sinh mạng của một đứa trẻ, do vậy, cần hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra của các rủi ro trong y khoa.

Để lại bình luận

Có thể bạn quan tâm

0906060784